Hàng ngày, mỗi người dễ dàng bắt gặp một tình huống thương tích hoặc bệnh tật diễn ra bất ngờ, xảy ra với chính bản thân hoặc mọi người xung quanh là người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…
Và trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể, mỗi người phải quyết định việc cần làm để đảm bảo an toàn cho người bị nạn, cũng như không tự đẩy mình vào các mối nguy hiểm không đáng có.
Sơ cứu hay còn gọi sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn tại cộng đồng, có thể có sự can thiệp tạm thời trong một tình huống nghiêm trọng trước khi có sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ hoặc nhân viên y tế chuyên nghiệp.
Khi có tình huống khẩn cấp về y tế xảy ra, tiêu chí nhanh không phải ưu tiên hàng đầu, mà tiêu chí an toàn mới là cốt lõi. An toàn cho người tham gia sơ cứu và an toàn cho người bị nạn.
Rất nhiều tình huống đáng tiếc đã xảy ra khi sơ cứu sai cách hoặc áp dụng các biện pháp dân gian để xử lý các vết thương tai nạn dẫn đến người bị nạn rơi vào tình huống nguy hiểm.
“Mới đây, tôi đã cấp cứu cho một phụ nữ 50 tuổi, đi phụ cắt gỗ với chồng ở xưởng mộc. Trong lúc làm việc, chẳng may cưa va vào chân dẫn đến vết thương chảy máu.
Để cầm máu vết thương, người phụ nữ này đã nghe theo hàng xóm, dùng mùn cưa đắp vào vết thương. Kết quả vết thương ngừng chảy máu, nhưng vài ngày sau vết thương của bệnh nhân bị nhiễm trùng phải vào viện cấp cứu.
Do bị nhiễm trùng nặng nên dù bác sĩ chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng chỉ cứu được tính mạng người bệnh, còn một bên chân của bệnh nhân đã phải cắt bỏ.
Hay như trước đó là trường hợp của cậu bé 15 tuổi, tham gia đua xe và gặp tai nạn gãy chân.
Thay vì đưa nạn nhân vào bệnh viện gần nhất để xử trí hoặc gọi xe cấp cứu thì người nhà nạn nhân lại dùng xe máy chở bệnh nhân ra Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Đi hơn 20km bằng xe máy, chân nạn nhân bị quệt xuống đường. Đến khi vào viện bệnh nhân rơi vào tình huống nguy hiểm…
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều tình huống mà tôi đã gặp phải chỉ vì sơ cứu sai cách dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn cho người bị nạn” – Bác sĩ Ngô Đức Hùng, tác giả cuốn sách 3 Phút sơ cứu chia sẻ tại buổi ra mắt sách.
Chính vì đã chứng kiến nhiều người bệnh phải hứng chịu những hậu quả đáng tiếc và hết sức nặng nề do hành động sơ cứu không đúng cách, bác sĩ Ngô Đức Hùng đã triển khai xây dựng nội dung cuốn sách "3 Phút sơ sứu" đi kèm hình ảnh minh họa cụ thể, rõ ràng, trực quan, dễ hiểu. Qua đó, người đọc dễ dàng hình dung và áp dụng các động tác sơ cứu vào thực tiễn.
3 Phút sơ cứu gồm 5 chương (sơ cứu cơ bản; chấn thương; vết cắn, đốt; các bệnh lý thường gặp và các loại ngộ độc thường gặp) với 54 chủ đề.
Cấu trúc mỗi chủ đề gồm 3 phần. Phần 1, bạn cần biết, là thông tin cơ bản về dịch tễ học, biểu hiện đơn giản, nếu để tự nhiên không can thiệp gì sẽ ra sao.
Phần 2, bạn cần làm, với những điều cần thực hiện. Phần 3, nên và không nên, phân tích các kinh nghiệm dân gian đúng hay sai, tác động vào thời điểm nào, hậu quả ra sao...
Bác sĩ Ngô Đức Hùng mong muốn “3 Phút sơ cứu” sẽ giúp cho mỗi người tự trang bị được kiến thức tối cơ bản về các tình huống tai nạn cũng như bệnh tật thường gặp tại cộng đồng và cách để mỗi người bình tĩnh trước chúng.
Đơn giản hơn như bị bỏng nước sôi, chảy máu mũi thì cần làm gì? Nếu bị một vết đứt da thì chăm sóc và theo dõi nó ra làm sao?…, bạn đọc sẽ là người có thể giúp đỡ cho người xung quanh mình một cách an toàn và hiệu quả.
Linh NhiBạn đang xem bài viết 3 Phút sơ cứu – Cẩm nang sức khỏe cần thiết cho cộng đồng tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].