Theo một nghiên cứu từ ĐH King’s College London và Đại học Bath tại Anh (2016), những nhân viên chu đáo, tận tụy càng có nguy cơ bị kiệt quệ về cảm xúc và gặp mâu thuẫn giữa trách nhiệm với công việc và gia đình hơn.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy mong muốn gây ấn tượng với sếp và đồng nghiệp khiến chúng ta hối hả, bận rộn và có thể kiệt sức.
Vậy làm thế nào để vừa gây dấu ấn, cống hiến trong công việc, vừa đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của mình?
Dưới đây là 3 nguyên tắc bạn cần nhớ để trở thành người quan trọng trong công việc mà không khiến mình kiệt sức.
Cân nhắc trước khi nói "có"
Để trở thành người quan trọng, một số người cố gắng làm quá khả năng của mình.
Nếu bạn là một người nói "có" với mọi việc, và điều đó đang khiến bạn kiệt sức, thì bạn cần xác định điều gì khiến bạn không thể giới hạn số lượng công việc của mình.
Có thể bạn là người muốn làm vừa lòng mọi người và ngại từ chối người khác.
Hoặc bạn có tính muốn kiểm soát tất cả công việc, không tin tưởng đồng nghiệp có thể làm tốt nhiệm vụ nếu bạn bàn giao cho họ.
Một khi đã rõ ràng động lực của bạn là gì, bạn sẽ có thể buông bỏ dễ dàng hơn.
Mặt khác, ôm đồm quá nhiều việc cũng sẽ làm giảm chất lượng công việc của bạn. Và chắc chắn đó không phải cách hay để lấy được cảm tình của sếp hay bất kỳ ai.
Cuộc sống không chỉ gồm "có" và "không"
Lối suy nghĩ trắng đen rõ ràng có thể khiến bạn làm quá nhiều việc và có thể kiệt sức.
Chúng ta thường có suy nghĩ nếu không thể từ chối thì phải đồng ý.
Nhưng thực tế luôn có một khoảng không xác định giữa hai thái cực này, được gọi là "grey area" (vùng xám).
Đây là cách bạn có thể trở thành một người góp sức trong nhiệm vụ đó nhưng không cần ôm đồm toàn bộ.
Ví dụ, nếu cấp trên yêu cầu bạn tham gia một dự án nhưng bạn thực sự không đủ thời gian để nhận việc này, bạn vẫn có thể hỗ trợ hoặc đề nghị giúp giám sát dự án.
Tập thói quen tan làm đúng giờ
Với những nhân viên chăm chỉ, họ có thể chẳng có khái niệm tan làm. Tam làm chỉ là mang việc từ văn phòng về nhà. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới kiệt sức.
Để ngăn cản tình trạng này, bạn hãy tạo một lịch trình cho mình, trong đó một số ngày nhất định trong tuần sẽ không làm muộn.
Mặt khác, nếu vẫn muốn hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng đúng hạn trong ngày, bạn cần phân chia các nhiệm vụ cần làm thành hai cột: "quan trọng" và "có thể làm sau".
Từ đó bạn ưu tiên nhiệm vụ quan trọng hơn và cảm thấy thoải mái hơn dù chưa hoàn thành tất cả nhiệm vụ, vì đó là những việc có thể làm sau.
Cuối cùng, hãy chấp nhận mình có thể chưa hoàn thành công việc, cho phép mình rời văn phòng để nạp lại năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
(Theo Thrive Global)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 3 nguyên tắc để trở thành người quan trọng mà không khiến mình kiệt sức tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].