Báo Điện tử Gia đình Mới

3 dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ, điều trị thế nào cho hiệu quả?

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Để phát hiện sớm bệnh trĩ có thể căn cứ vào những dấu hiệu điển hình dưới đây.

Phát hiện bị bệnh trĩ nhờ dấu hiệu đi ngoài ra máu

Đã nhiều năm nay, bà B.T.T. (sinh năm 1950, ở Phú Thọ) bị đi ngoài ra máu thường xuyên, kèm theo xuất hiện khối sa vùng hậu môn, ban đầu sa ra khi đi ngoài, phải lấy tay đẩy lên, về sau bệnh nhân đi lại cũng sa ra. Gần đây, bệnh nhân đi ngoài ra máu thành tia số lượng nhiều nên quyết định vào BV Bạch Mai thăm khám.

Thời điểm vào viện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt. Da niêm mạc nhợt nhiều, không phù, không sốt. Khi bác sĩ thăm khám phát hiện hậu môn có trĩ vòng sa độ IV kèm theo sa niêm mạc trực tràng, có điểm đang chảy máu. Nội soi đại tràng có hình ảnh Polyp đại tràng 0,8cm, trĩ nội. Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị hồng cầu khối 350ml trước khi phẫu thuật điều trị bệnh trị.

Ca phẫu thuật diễn ra an toàn, thuận lợi. Kết quả giải phẫu bệnh lý cho thấy bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp. Bệnh nhân sau mổ ổn định và được xuất viện sau 3 ngày phẫu thuật. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hậu môn lành, sẹo đẹp, không bị hẹp hậu môn.

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Ảnh minh họa

Bệnh trĩ có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Ảnh minh họa

3 dấu hiệu điển hình của bệnh trĩ

Bệnh trĩ là loại bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là người trưởng thành và người cao tuổi. Ở nước ta, bệnh trĩ gây ảnh hưởng từ 30 - 35% dân số.

Theo các bác sĩ, bệnh trĩ được tạo thành do các đám rối tĩnh mạch hậu môn trực tràng bị giãn ra, to dần lên và sa ra ngoài.

Các triệu chứng điển hình của bệnh trĩ gồm:

  • Chảy máu khi đại tiện
  • Xuất hiện khối sa ra ngoài khi đại tiện
  • Đau rát hậu môn.

Theo vị trí, trĩ được chia làm 2 loại:

- Trĩ nội nằm phía trong hậu môn, được bao phủ bởi niêm mạc. Trong đó, trĩ nội lại được phân thành 4 độ tùy mức độ nặng của bệnh:

  • Độ 1: Trĩ chỉ ở trong ống hậu môn, khi đại tiện trĩ không sa ra ngoài.
  • Độ 2: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, sau đó tự co lên.
  • Độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, sau đi ngoài người bệnh phải lấy tay đẩy búi trĩ vào lại trong hậu môn.
  • Độ 4: Búi trĩ sa thường xuyên ra ngoài hoặc đẩy vào hậu môn khó, khi đi lại hoặc gắng sức búi trĩ dễ sa ra ngoài.

- Trĩ ngoại nằm bên ngoài hậu môn được phủ bởi lớp da rìa hậu môn.

benh-tri

Điều trị bệnh trĩ thế nào cho hiệu quả?

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ, nếu bệnh nhẹ (độ I, độ II) có thể điều trị bằng nội khoa hoặc thủ thuật.

Điều trị nội khoa bằng: Các thuốc (thuốc tăng sức bền thành mạch như Daflon, viên đạn đặt hậu môn, thuốc nhuận tràng,… ); Điều chỉnh chế độ ăn nhiều chất xơ (rau, củ, quả …), uống nhiều nước (2-3 lít/ ngày); ngâm hậu môn vào chậu nước ấm; Loại bỏ các yếu tố gây tăng áp lực trong trực tràng (không rặn mạnh, không ngồi toilet lâu…).

Còn điều trị bằng các thủ thuật bao gồm: Tiêm xơ, thắt trĩ, quang đông hồng ngoại. Nếu bệnh nặng (độ III, độ IV) cần phải phẫu thuật bằng các phương pháp như Cắt trĩ Milligan – Morgan, Ferguson, Whitehead,…; phẫu thuật triệt mạch treo trĩ THD, phẫu thuật Longo,…

Thông thường, mọi người thường nghe đến trĩ nội, trĩ ngoại, còn tên trĩ vòng thì hiếm gặp hơn.

Trĩ vòng là trường hợp các búi trĩ liên kết với nhau thành vòng trĩ chiếm hết chu vi ống hậu môn. Trĩ vòng độ IV là thể bệnh nặng nhất của bệnh trĩ: toàn bộ vòng trĩ sa ra ngoài hậu môn thường xuyên, khó đẩy lên hoặc đẩy lên rồi trĩ lại sa khi bệnh nhân đi lại vận động.

Whitehead là phương pháp được sử dụng để cắt toàn bộ vòng trĩ áp dụng trong các trường hợp trĩ vòng độ IV, trĩ vòng tắc mạch, trĩ vòng có sa niêm mạc trực tràng. Phương pháp này giúp cắt bỏ toàn bộ vòng niêm mạc trĩ bị sa, khâu nối phần niêm mạc trực tràng bên trên và da ống hậu môn bên dưới.

Đây là phẫu thuật triệt để nhưng có thể để lại nhiều biến chứng sau mổ như: đại tiện mất tự chủ, hẹp hậu môn, hậu môn ướt…

Trường hợp của bệnh nhân T. nói trên đã được các bác sĩ tiến hành cắt trĩ theo phương pháp Whitehead.

Để đạt được kết quả tốt sau phẫu thuật cắt toàn bộ vòng trĩ, bệnh nhân cần lưu ý thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, thuốc nhuận tràng, tránh táo bón, chăm sóc vết mổ hậu môn theo chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám lại sớm sau mổ 2 tuần xét nong hậu môn tránh biến chứng hẹp hậu môn sau mổ.

Điều trị trĩ vòng độ IV vẫn còn nhiều khó khăn với nhiều biến chứng sau mổ, bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhân mắc bệnh trĩ vòng cần khám sớm, nên tiến hành phẫu thuật từ khi bị trĩ vòng độ III để điều trị đạt được kết quả tốt nhất.

T.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO