Những món ăn chế biến từ lợn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì thịt lợn rất giàu chất đạm và chất béo. Đặc biệt thịt lợn có chứa nhiều vitamin và một số khoáng chất như can xi, kali, sắt ở dạng dễ hấp thụ. Mặc dù vậy, không phải bộ phận nào của lợn cũng có thể ăn nhiều.
3 bộ phận dưới đây nên cẩn trọng khi ăn vì rất dễ nhiễm khuẩn và kim loại nặng.
Gan
Bác sĩ Nguyễn Thuỳ Linh, khoa Dinh dưỡng, Đại học Y Hà Nội, cho biết gan là bộ phận giải độc của lợn. Các chất đi qua gan sẽ được gan phân hủy, tuy nhiên có nhiều kim loại nặng và chất kích thích tăng trưởng mà lợn hít hoặc ăn vào, gan không thể tự phân hủy được, chúng sẽ tích tụ ở gan.
Nếu chúng ta thường xuyên ăn gan sẽ nạp vào người không ít những chất độc hại, rất có hại cho cơ thể.
Ngoài ra, ăn nhiều gan cũng khiến hàm lượng cholesterol tăng cao dễ gây các vấn đề tim mạch khi lớn tuổi. Vì thế hãy nhớ, không nên ăn gan lợn thường xuyên. Nếu ăn cần làm kỹ bằng cách ngâm trong nước muối, hoặc sữa tươi không đường để khử độc, bóp rửa sạch và ăn chín.
Phổi
Lợn là loài vật có thói quen hít thở sát mặt đất, dụi mũi vào những chỗ bẩn, vì thế chúng thường xuyên hít phải lượng rất lớn bụi bẩn, đất cát và các kim loại nặng. Bởi vậy, khi ăn phổi lợn, những bụi bẩn và bụi kim loại này sẽ theo vào cơ thể chúng ta và gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra, khi hít thở sát mặt đất, lợn sẽ hít vào phổi rất nhiều ký sinh trùng, bệnh dịch và vi khuẩn virus cũng liên tiếp chui vào phổi. Khi sơ chế, ta rửa cũng không thể sạch được.
Do đó, cần cân nhắc thật kỹ trước khi dùng phổi lợn làm thức ăn. Nếu thật sự thích, chỉ thỉnh thoảng mới nên ăn, ngâm phổi trong nước muối loãng, rửa phổi dưới vòi nước xả mạnh để loại bỏ chất độc.
Lòng lợn
Theo Bác sĩ Lê Thị Hải, Viện dinh dưỡng Quốc gia, lòng lợn có chứa nhiều cholesterol gây ra nhiều vấn đề với người bị tiểu đường, tim mạch hay các bệnh về chuyển hóa. Ăn nhiều lòng lợn còn có thể gây bệnh gout, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, làm tăng mỡ máu.
Ngoài ra, "Nhiều cơ sở chế biến nội tạng động vật không hợp vệ sinh, nhiễm rất nhiều loại giun sán, vi khuẩn, virus nguy hại cho con người", bác sĩ Hải nói. Người ăn phải nội tạng động vật kém chất lượng, bị ôi thiu, biến đổi màu rất dễ bị nhiễm giun sán, khi giun sán ký sinh trong người sẽ gây hại tới cơ thể, việc chữa trị cũng rất lâu và khó khăn.
Chưa kể, tình trạng sử dụng các loại hóa chất để tẩy mùi và làm trắng lòng lợn làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người ăn. Chính vì vậy, nếu muốn ăn lòng lợn, tốt nhất bạn mua về tự làm thật sạch hoặc lựa chọn những cơ sở uy tín, đáng tin cậy.
Thạch ThảoBạn đang xem bài viết 3 bộ phận của lợn rất dễ nhiễm khuẩn và kim loại nặng mà nhiều người cực thích ăn tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].