Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115, 100% bệnh nhân đột quỵ cần điều trị phòng ngừa, bởi nếu không phòng ngừa tốt thì sẽ phải lãnh gánh nặng đột quỵ cấp. Do đó việc điều trị phòng ngừa luôn luôn quan trọng.
PGS Thắng cũng đưa ra các khuyến cáo phòng ngừa đột quỵ thứ phát gồm: Kiểm soát yếu tố nguy cơ (cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid); Sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu; Các khuyến cáo trong điều trị hẹp mạch máu nội sọ và ngoại sọ.
Trong đó, bệnh đột quỵ có 3 yếu tố nguy cơ hàng đầu là cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, tiểu đường. Vì vậy để phòng ngừa đột quỵ thứ phát, người bệnh cần chú ý kiểm soát các yếu tố nguy cơ theo khuyến cáo dưới đây:
Kiểm soát huyết áp
- Bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não nên được kiểm soát huyết áp sau giai đoạn cấp, mức huyết áp phải đạt dưới 140/90 mmHg.
- Đối với bệnh nhân tiểu đường và bệnh thận mạn, huyết áp cần đạt dưới 130/80 mmHg.
- Đối với bệnh nhân nhồi máu não lỗ khuyết, sau khi loại trừ các tác nhân xơ vữa động mạch lớn thì huyết áp tâm thu dưới 130 được xem là tối ưu nhằm phòng ngừa biến cố tái phát.
- Thuốc ức chế men chuyển và lợi tiểu được xem là lựa chọn ưu tiên cho các bệnh nhân đột quỵ trong phòng ngừa các biến cố.
Kiểm soát lipid
- Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não hoặc cơn TIA cần được đánh giá lipid máu và điều trị tích cực rối loạn lipid máu bằng Statin liều cao.
- LDL mục tiêu
- Khi chưa đạt được mức LDL-c mục tiêu với statin, việc kết hợp thêm Ezetimibe là lựa chọn hợp lý.
- Không nên điều trị thường quy Statin đối với những bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não.
Kiểm soát đường huyết
- Bệnh nhân sau đột quỵ thiếu máu não hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) cần được tầm soát đái tháo đường bằng các xét nghiệm đường huyết lúc đói, HbA1c hoặc nghiệm pháp dung nạp đường.
- Điều trị đái tháo đường gồm kiểm soát đường huyết (mục tiêu HbA1c < = 7,0) bằng các biện pháp thay đổi lối sống và thuốc uống, kiểm soát huyết áp và cholesterol máu.
An AnBạn đang xem bài viết 3 biện pháp dự phòng đột quỵ quay lại sau khi đã bị 1 lần tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].