Vào năm 1993, hai tên cướp ngân hàng đã bắt ba nhân viên tại Ngân hàng Chase Manhattan ở Mỹ làm con tin.
Khi ấy, cựu đặc vụ Chriss Voss là người đàm phán qua điện thoại với hai tên cướp.
Để giải quyết xung đột, ông đã áp dụng 3 bí quyết giao tiếp mà theo lời ông thì những người có EQ cao đều dùng khi nói chuyện với người khác, nhất là trong những tình huống nhạy cảm.
1. Nói chuyện nhẹ nhàng
Trong cuộc đàm phán năm 1993 đó, Voss đã sử dụng một kỹ thuật mà ông gọi là giọng nói của "MC radio đêm khuya".
Đó là kiểu giọng kể chuyện, nhẹ nhàng và có chiều hướng hạ tông giọng, có thể áp dụng trong hầu hết mọi tình huống.
Giọng điệu này kích hoạt một phản ứng hóa học thần kinh giúp làm dịu bộ não người nghe, tạo ra trạng thái tỉnh táo và giảm phân tâm cho cả người nói và người nghe như một phản ứng không tự nguyện.
Trong một podcast năm 2018, Voss cho biết: "Sự tò mò thực sự là một thủ thuật để kiểm soát cảm xúc. Nếu bạn nói bằng một giọng nhẹ nhàng, êm dịu, bạn cũng có thể giúp chính mình bình tĩnh lại".
2. Lặp lại đối phương dưới dạng câu hỏi
Bắt chước đối phương là kỹ thuật hiệu quả để tạo thiện chí và thu thập thông tin. Bạn có thể bắt chước mọi người bằng cách lặp lại một số từ ngữ trong câu mà họ vừa nói.
Ví dụ, nếu tên cướp ngân hàng nói: "Tôi đã có một ngày thực sự khó khăn vì phải chịu đựng quá nhiều căng thẳng", hãy đáp lại nhưng dưới dạng câu hỏi: "Anh phải chịu đựng những căng thẳng gì vậy?"
Điều này giúp thể hiện là bạn đang tập trung và chủ động lắng nghe, đồng thời khuyến khích đối phương - trong trường hợp này là tên cướp - chia sẻ thêm thông tin.
3. Xác định và gọi tên cảm xúc của người khác
Sau đó, Voss đã nói với tên cướp: "Đó không phải lỗi của anh, đúng không? Anh hối hận vì điều này đã xảy ra, phải không?"
Cả hai câu hỏi này đều ám chỉ rằng tên cướp chỉ đơn giản là bị cuốn vào một tình huống xấu.
Một trong những cách hiệu quả để xác định và gọi tên cảm xúc của đối phương là phản hồi bằng một trong những câu như: "Có vẻ bạn đang trải qua điều gì đó căng thẳng" hoặc "Có vẻ như bạn không vui với những gì đang diễn ra".
Trí tuệ cảm xúc cao đòi hỏi phải biết lắng nghe
Đặc vụ Chris Voss đã thành công thuyết phục bọn cướp đầu hàng và giải thoát con tin vì ông đã làm một việc mà ít ai làm được khi đang ở trong những cuộc xung đột căng thẳng: lắng nghe.
Bạn cũng có thể áp dụng bí quyết giao tiếp và đàm phán của ông trong mọi tình huống trong cuộc sống.
Nếu có thể thành thạo nghệ thuật lắng nghe, bạn sẽ có thể sử dụng trí tuệ cảm xúc cao của mình để xoa dịu mâu thuẫn với đồng nghiệp, vợ chồng hay thậm chí con cái tuổi dậy thì.
(Theo CNBC)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Cựu đặc vụ FBI: 3 bí quyết giao tiếp chinh phục bất kỳ ai của người EQ cao tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].