20 đón Tết bên đường tàu
Màn đêm buông xuống khu vực sân Ga Hà Nội, những chuyến tàu cuối năm chật ních người lỉnh kỉnh mang vác hành lý vội vã đến rồi lại đi.
Đâu ai biết rằng, để có được những chuyến đi nối liền Bắc - Nam an toàn một người luôn thầm lặng bám sát đường tàu bất kể ngày, đêm, mưa, nắng. Đó chính là những người sửa chữa đường tàu.
Tại phòng trực của tổ tuần gác cung đường tàu, ông Chu Hữu Hảo - Tổ trưởng Tổ tuần gác cung đường Văn Điển (Công ty cổ phần Quản lý đường sắt Hà Hải) vẫn miệt mài với công việc của mình.
20 năm ông đã làm công việc này rồi, và cũng chừng ấy năm ông đón Tết bên đường ray tàu hỏa với túi đồ dụng cụ kiểm tra đường tàu. "Thú thực, đôi lúc cũng có chạnh lòng, nhưng rồi khi cảm nhận được không khí giao thừa tôi lại thấy có niềm vui riêng”, ông tâm sự.
Tối nay là những ngày Tết, vẫn như thường lệ bên đường ray, người đàn ông này với mái tóc hơi xoăn, điểm bạc, khuôn mặt đen sạm và đôi mắt ánh lên nét nghiêm nghị đang tiếp tục hoàn thành cuộc hành trình của mình.
Bộ đồng phục màu xanh sẫm mà ông đang mặc nửa giống công nhân nhà máy, nửa giống nhân viên an ninh với mũ kê-pi trên đầu, đôi giày mòn vẹt và chiếc găng tay lao động màu trắng.
Như thường lệ, ông Hảo lại dạo một vòng dọc cung đường sắt từ ga Văn Điển (huyệnThường Tín, Hà Nội) đến ghi gác Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).
Vai đeo chiếc túi nhỏ đã cũ sờn, bạc phếch, tay cầm đèn, ông hảo tỉ mẩn đi dọc trên thanh sắt bé tẹo của đường ray về phía bên tay phải thành thạo như diễn viên xiếc.
Vừa đi vừa quan sát tà vẹt, đường ray và con ốc. Khi phát hiện ốc lòng thì xiết lại cho chặt, còn nếu gặp sự cố lớn hơn như gãy tà vẹt, hay có vật cản trên đường ray thì phải đánh dấu và báo cáo ngay với Cung đường Trưởng.
Thấy chúng tôi toàn thanh niên mà mướt mồ hôi lần mò trên con đường gập ghềnh toàn đá hộc để chạy theo kịp, ông cười cười: “Cung đường này là nhàn nhất rồi đấy, vì địa hình trong thành phố cũng bằng phẳng, không quanh co, đèo dốc, chứ các anh em khác trực cung đường đi qua vùng địa phương rừng núi thì vất vả lắm. Đoạn này dài khoảng hơn 10 cây số, cả đi cả về là mất hơn 20 cây số”.
Dù là ngày bình thường hay lễ tết thì việc đi tuần bộ cũng được chia đều thành ba ca, mỗi ca làm việc tám tiếng, đều đặn tháng 26 ngày, ngày nắng cũng như ngày mưa.
Ông thú nhận niềm an ủi trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới với ông cũng chính là cảm nhận hành khách vui mừng đón giao thừa trên Tàu.
Ông kể: “Giao thừa trên Tàu đặc biệt lắm, bình thường tàu chạy đêm thì khách cũng ngủ hết nên tàu chạy qua đoạn mình đang kiểm tra buồn lắm. Nhưng giao thừa, họ thức cả, không khí năm mới có vẻ khiến mọi người thân thiện, gần gũi hơn nên khi tàu lướt qua tôi đang đeo đèn đứng bên đường ray, nhiều bạn trẻ cứ vẫy tay hét lớn: Chúc mừng năm mới.
Lời chúc đầu tiên của năm, xúc động lắm! Rồi cứ đi qua mỗi ghi gác lại nhận được lời chúc Tết từ các anh chị, các cháu nên cũng phấn khởi lắm”. Nói đoạn ông cười xòa: “Mình cứ như thế là đi nhặt niềm vui trên đường đấy chứ có vất vả, xá gì đâu”.
Hy sinh niềm riêng
Khi được hỏi về những nguyện vọng trong năm mới, ông có muốn thêm phương tiện gì phục vụ tuần đường, dò tìm hỏng hóc cho đỡ vất vả, ông chỉ cười nhẹ và lắc đầu: “Không phương tiện nào thay thế được đôi chân bền bỉ cũng như bàn tay của người tuần đường, duy tu sửa chữa”.
Tiếng cười sảng khoái và cái lắc đầu của người tuần đường già khiến những người chứng kiến không khỏi lặng người xúc động.
Đồng hồ điểm 12h đêm, ông Hảo vẫn lặng lẽ vác đèn say mê “ngắm” những cung đường quen thuộc. Khi chúng tôi vẫn còn đang mải mê theo bước ông thì ông đã thốt lên: “Đấy, con ốc này bị lỏng rồi. Bây giờ phải xiết lại cho chặt!”.
Chợt đèn báo, ông dừng công việc lại, rời khỏi đường ray, đứng nghiêm và giờ tay lên mũ chào đoàn tàu đang tiến đền như thông báo rằng mọi thứ đã sẵn sàng và an toàn.
Đến khi chiếc tàu chỉ còn là một cái bóng xa mờ, ông lại giơ tay lên mũ chào lần nữa rồi mới tiếp tục cần mẫn bước đi vào trong màn đêm.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết 20 cái Tết lặng lẽ của người sửa chữa đường tàu Bắc - Nam tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].