Do điều kiện hoàn cảnh hoặc do điều kiện sức khỏe, nhiều người lao động khi đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã lựa chọn xin nghỉ việc và chờ hưởng lương hưu khi đủ tuổi. Khi đó, những trường hợp này sẽ có 2 quyền lợi được hưởng:
2 quyền lợi đó là:
Thứ nhất, trợ cấp thôi việc
Theo Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
Theo đó, người lao động đã làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên mà chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp như: Hết hạn hợp đồng, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng luật,… thì sẽ được nhận trợ cấp thôi việc.
Tuy nhiên, trợ cấp này sẽ không được trả cho hai trường hợp sau:
1 - Đủ điều kiện hưởng lương hưu.
2 - Tự ý bỏ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng
Như vậy, nếu nghỉ việc trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp thôi việc.
Tiền trợ cấp thôi việc của người lao động sẽ được tính theo công thức sau:
Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Số năm làm việc tính hưởng trợ cấp thôi việc x Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng trước khi thôi việc
Trong đó: Số năm làm việc tính hưởng trợ cấp = Tổng thời gian đã làm việc cho doanh nghiệp - Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp - Thời gian đã được chỉ trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Thứ hai, trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, sau khi nghỉ việc, người lao động sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
1 - Đã chấm dứt hợp đồng lao động.
(Trừ: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng).
2 - Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi nghỉ việc.
3 - Đã nộp hồ sơ tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
4 - Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
(Trừ: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học từ đủ 12 tháng trở lên; bị tạm giam; chấp hành phạt tù; định cư nước ngoài; đi xuất khẩu lai động,…)
Nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện trên, người lao động nghỉ chờ hưu sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức như sau:
Mức trợ cấp thất nghiệp/tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%
Số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính dựa trên thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:
- Đóng đủ 12 - 36 tháng BHXH: Hưởng 03 tháng trợ cấp.
- Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng BHXH: Hưởng thêm 01 tháng trợ cấp.
- Thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp: 12 tháng.
Đó là 2 quyền lợi mà những người chọn nghỉ việc khi đủ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Người lao động cần biết được 2 quyền lợi này để được hưởng những quyền lợi của bản thân.
V.LinhBạn đang xem bài viết 2 khoản tiền dành cho người lao động nghỉ việc trước tuổi và chờ hưởng lương hưu tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].