Bố mẹ nghĩ con sốt thông thường, ai ngờ mắc Viêm não Nhật Bản
Ngày 7/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 2 cháu bé mắc viêm não Nhật Bản.
Trường hợp thứ nhất là bé Nay H’Đa (5 tuổi, dân tộc Ja Rai, buôn Bir, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo). Vào ngày 26/4, bé khởi sốt, gia đình đã đi mua thuốc về cho uống nhưng không thuyên giảm. Đến ngày 29/4, cháu bé tiếp tục sốt cao, co giật toàn thân nên được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo, sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị Viêm não màng não/Nhiễm trùng huyết và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với Viêm não Nhật Bản B.
Trường hợp thứ 2 là một bé trai 5 tháng tuổi (dân tộc H’mông, thôn 2, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk). Vào ngày 16/4 có biểu hiện sốt cao, ho nhiều kèm theo nôn ói. Người nhà đã mua thuốc về điều trị cho bé tại nhà nhưng không khỏi.
Đến ngày 23/4 bé được đưa đến Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, bé được chẩn đoán bị Viêm não màng não/Nhiễm trùng huyết/Suy hô hấp độ IV và lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với Viêm não Nhật Bản B.
Hiện cả 2 bệnh nhân đều đang được điều trị tích cực tại khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và đều ở trong tình trạng nguy kịch.
Được biết, cháu bé 5 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm não Nhật Bản, còn bé trai 5 tháng tuổi lại chưa đến độ tuổi tiêm phòng loại vắc xin này.
Viêm não Nhật Bản có những triệu chứng gì?
Ngay sau khi ghi nhận 2 trường hợp mắc Viêm não Nhật Bản B, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo và M’Đrắk thực hiện các biện pháp xử lý tại địa bàn như: Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ mũi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn; khuyến cáo người dân tiêm vắc xin phòng Viêm não Nhật Bản theo hình thức dịch vụ cho các đối tượng ngoài tiêm chủng mở rộng; truyền thông tại cộng đồng về phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Viêm não Nhật Bản là bệnh xuất hiện khắp các vùng miền ở Việt Nam. Dịch bệnh thường xảy ra từ tháng 5 đến tháng 10. Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng rất dễ bị bệnh nhiễm trùng.
Bác sĩ BV Nhi Trung ương chỉ ra dấu hiệu của trẻ khi mắc viêm não Nhật Bản là trong 1 đến 2 ngày đầu thường có các dấu hiệu như sốt, đau đầu tăng dần, mệt mỏi, buồn nôn và nôn khan.
Trong các biểu hiện trên thì sốt và nôn khan thường các bậc phụ huynh hay bị nhầm lẫn nhất. “Khi trẻ bị sốt các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, nếu bị sốt virus trẻ sau khi uống thuốc hạ được sốt thì theo bản năng trẻ sẽ hoạt động và chơi bình thường.
Nhưng nếu bị sốt do mắc viêm não Nhật Bản khi hạ sốt trẻ vẫn li bì, đau đầu và ngủ nhiều, đây chính là biểu hiện của rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Còn đối với việc trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho nên nôn. Vì thế nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho với hy vọng giảm cơn nôn của trẻ.
Nhưng thực tế không phải vậy, nôn khan không liên quan gì đến rối loạn tiêu hóa hat ăn uống. Thực tế khi trẻ bị nôn khan kèm theo sốt, đau đầu tăng dần thì đó chính là triệu chứng của viêm não Nhật Bản.
Việc các bà mẹ không nhận ra điều đó, đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện thì lúc đó đã quá muộn” - bác sĩ cảnh báo.
V.LinhBạn đang xem bài viết 2 bệnh nhi nguy kịch sau sốt, cảnh báo bố mẹ về căn bệnh viêm não Nhật Bản vào mùa tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].