Nếu ai đó nói quá nhiều
Không có cách nào là thực sự lịch thiệp để bảo người khác ngậm miệng, nhưng bạn có thể thử dùng mẹo này để ngắt lời khi ai đó nói quá nhiều.
Hãy thả rơi bất kỳ món đồ nào đó trong tay bạn (trừ điện thoại, đồ dễ vỡ,...) hoặc giả vờ làm đổ cái gì đó.
Điều này sẽ khiến người đang nói chuyện nhận ra là họ đã nói quá nhiều một thời gian dài và cảm thấy không thoải mái, từ đó có thể khiến họ ngưng cuộc trò chuyện.
Nếu bạn đang lo lắng
Bộ não tin rằng bạn cảm thấy thoải mái khi bạn đang ăn. Nhai kẹo cao su là cách đánh lừa bộ não vào trạng thái thư giãn.
Bạn có thể dùng cách này khi đang lo lắng, trước khi phỏng vấn hay trong thời điểm căng thẳng.
Nếu bạn phải đối phó với khách hàng nóng giận
Cho dù bạn đúng hay sai thì việc đối phó với các khách hàng đang giận dữ là chuyện khó xử. Bạn hãy thử đặt gương đằng sau hay xung quanh để người đối diện có thể tự soi thấy họ trong khi đang tranh cãi.
Con người thường không thích nhìn thấy chính mình cư xử cáu kỉnh, giận dữ vì chúng ta cũng không thích những người giận dữ. Cách này sẽ giúp họ bình tĩnh lại và cả hai có thể trao đổi bình tĩnh hơn.
Nếu một bài hát cứ quanh quẩn trong đầu bạn
Đôi khi có những bài hát quá phổ biến và bắt tai cứ quanh quẩn trong đầu bạn, khiến bạn lẩm nhẩm theo mà không nhận ra.
Bạn sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại một đoạn bài hát và mắc kẹt trong giai điệu ấy.
Để thoát khỏi điều này, hãy thử kết thúc bài hát bằng cách hát đến cuối bài để bộ não của bạn nghĩ rằng bài hát đã kết thúc, và bạn sẽ ngừng vô thức hát giai điệu ấy.
Nếu bạn muốn tránh mâu thuẫn với ai đó
Khi bạn phải đàm phán với người khác, nhất là trong kinh doanh, mẹo này sẽ rất hữu ích. Bạn hãy thử ngồi cạnh họ thay vì ngồi đối diện và cách xa nhau.
Điều này sẽ khiến họ cảm thấy bạn và họ ở cùng một phe. Bên cạnh đó việc tức giận hay quát tháo một người đang tiếp xúc gần gũi với mình cũng rất kỳ cục, mọi người sẽ ngại làm như vậy.
Nếu bạn muốn phá vỡ sự e dè
Nếu bạn ở trong một nhóm người mới, bạn có thể phá vỡ sự e dè và xa cách giữa mọi người bằng cách nói thẳng ra cảm giác kỳ cục hiện tại.
Khiếu hài hước cũng sẽ giúp ích trong trường hợp này, chẳng hạn kể chuyện cười về không khí yên tĩnh trong phòng hay kể những sai lầm ngớ ngẩn và hài hước bạn mắc phải khi nói chuyện,...
Nếu bạn mới gia nhập một nhóm
Khi mới gia nhập một nhóm nào đó, bạn thường không biết rõ cảm xúc của họ với bạn. Tuy nhiên bạn có thể quan sát ngôn ngữ cơ thể để biết họ có hứng thú với bạn hay không.
Nếu có, bàn chân họ sẽ có chiều hướng chỉ về phía bạn, thay vì chỉ quay mặt về phía bạn.
Bạn có thể xác định liệu sự xuất hiện của mình có được chào đón hay không bằng cách quan sát hướng bàn chân của đối phương.
Mẹo này áp dụng trong cả quan hệ tình bạn hay tình yêu.
Nếu bạn đang ở trong một cuộc tranh cãi
Ngay cả khi ai đó đang hét thẳng vào bạn, hãy giữ bình tĩnh và nói chuyện nhẹ nhàng. Khi bạn cảm thấy đối phương không trả lời bạn mà chỉ làm ầm ĩ, hãy chờ đợi và giữ giọng nói bình tĩnh.
Cách tiếp cận hòa bình của bạn dần dần sẽ tác động đến đối phương, khiến họ ngưng la hét.
Nếu bạn không có được câu trả lời mình muốn
Sau khi hỏi ai đó điều gì, bạn có thể không nhận được ngay câu trả lời mình cần. Nhưng đừng bỏ cuộc, hãy giữ im lặng, nhìn vào mắt họ và cứ để họ nói tiếp. Cuối cùng bạn sẽ nhận được câu trả lời bạn muốn.
Nếu bạn lần đầu hẹn hò
Lần đầu hẹn hò có thể sẽ xấu hổ nếu bạn không có kế hoạch trước. Để tránh tình huống này, hãy đưa đối tượng đến những nơi kích thích adrenaline.
Hoạt động kích thích này nên dựa trên sở thích và tính cách của đối phương, do đó bạn cũng nên tìm hiểu đối tượng của mình trước.
Nếu bạn muốn gây áp lực khi đang nói chuyện với ai đó
Nếu phát hiện ai đó nói dối hoặc nói vòng vo Tam quốc và bạn cần họ thú nhận tất cả, chia sẻ nhiều thông tin hơn, thì hãy nhướn lông mày, nhìn vào mắt họ để gia tăng áp lực.
Nếu bạn cảm thấy mình đang bị theo dõi
Nếu bạn có cảm giác mình đang bị theo dõi hay quan sát, bạn có thể thử mẹo nhỏ này để chắc chắn phán đoán của mình. Đó là hãy ngáp, và đảm bảo người đó cũng nhìn thấy cảnh bạn ngáp.
Nếu họ thật sự đang quan sát bạn, họ sẽ ngáp theo và từ đó giúp bạn nhận diện người đang theo dõi mình.
Nếu bạn muốn trẻ làm theo điều gì
Đừng hỏi trẻ có muốn làm việc gì đó hay không, hãy cho trẻ các lựa chọn rõ ràng. Ví dụ nếu muốn trẻ ăn rau, hãy hỏi trẻ muốn ăn hai miếng hay ba miếng rau.
Mặc dù trẻ có thể kháng cự nhưng khả năng cao là trẻ sẽ ra quyết định và có cảm giác trách nhiệm khi được tự quyết định hơn.
Nếu bạn muốn dọa một kẻ thích gây gổ
Thoát khỏi một cuộc chiến vẫn tốt hơn là tham chiến. Nếu ai đó đang cố ý kích bạn để gây gổ, hãy dùng sức mạnh của ánh mắt.
Hãy nhìn thẳng vào mắt họ, kiên định, từ từ chuyển hưởng ánh mắt xuống chân họ rồi ngược trở lại mắt họ. Sau đó hãy nhìn ra chỗ khác.
Hành động này truyền tải thông điệp rằng bạn vừa đánh giá họ và cảm thấy họ không phải mối đe dọa đáng kể với bạn.
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 14 mẹo tâm lý giúp bạn thoát khỏi những tình huống xấu hổ tại chuyên mục Kỹ năng sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].