Theo quy định của Luật BHYT năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, dưới đây là 12 trường hợp dù mua Bảo hiểm y tế và đi khám chữa bệnh đúng tuyến vẫn không được BHYT chi trả.
Thứ nhất: Các khoản đã được ngân sách Nhà nước chi trả bao gồm khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con, vận chuyển người bệnh (bao gồm người có công với cách mạng, người thuộc diện được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ cận nghèo) từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Thứ hai: Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng.
Thứ ba: Khám sức khỏe.
Thứ tư: Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị.
Thứ năm: Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, hoặc các trường hợp bỏ thai, trừ khi phải đình chỉ thai nghén vì bệnh lý của bệnh nhi hoặc sản phụ.
Thứ sáu: Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ.
Thứ bảy: Điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ mắt, trừ trường hợp đó là trẻ em dưới 6 tuổi.
Thứ tám: Sử dụng các vật tư thay thế như tay chân giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, hoặc các phương tiện trợ giúp vận động trong khám chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Thứ chín: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa.
Thứ mười: Khám chữa các bệnh nghiện 'mai thúy', nghiện rượu...
Thứ mười một: Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.
Thứ mười hai: Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
Người dân cần nắm được những thông tin trên để chủ động chuẩn bị cho mình trước khi đi khám chữa bệnh.
V.LinhBạn đang xem bài viết 12 trường hợp đi khám bệnh đúng tuyến vẫn không được bảo hiểm y tế chi trả tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].