Dấu hiệu nhận biết số 1: Nhờ sự trợ giúp từ trẻ
Theo trang Bright Side, dấu hiệu đầu tiên nhận biết kẻ bắt cóc chính là chúng luôn yêu cầu sự trợ giúp từ trẻ. Hãy cảnh báo con biết trước về tình huống mà bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra này, bởi một người trưởng thành đàng hoàng sẽ chẳng bao giờ yêu cầu sự giúp đỡ từ những đứa trẻ còn quá nhỏ.
Dấu hiệu nhận biết số 2: Trẻ có dấu hiệu khóc và giãy dụa
Khi thấy trẻ em khóc giãy dụa, chắc chắn một trong hai tình huống sau xảy ra: Một là chúng đang ăn vạ bố mẹ, hai là có ai đó lạ đang tìm mọi cách đưa bé đi.
Khi thấy trẻ la hét to hơn mức bình thường, hãy đến và xem trẻ có ổn không. Nếu đúng là kẻ bắt cóc thì mặt của chúng sẽ biến sắc và chạy trốn vì không muốn bị bắt tại trận.
Dấu hiệu nhận biết số 3: Có người lạ theo dõi
Nếu thấy một người lạ mặt mũi lấm lét, theo dõi trẻ ở sân chơi bạn nên giả hành động như đang chụp ảnh. Thấy việc này kẻ bắt cóc sẽ sợ hãi mà bỏ đi.
Dấu hiệu nhận biết số 4: Dụ dỗ trẻ nhỏ bằng đồ ăn
Phần lớn trẻ nhỏ đều rất tin người. Chỉ cần cho trẻ đồ chơi, bánh kẹo hoặc hứa sẽ đưa đi chơi thì chắc chắn trẻ sẽ đi theo. Vì thế, hãy dạy con cách từ chối nếu người lạ cho đồ ăn, đồ chơi. Bởi những người bình thường sẽ không tặng quà cho người không quen biết hoặc dẫn vào xe riêng.
Các bậc phụ huynh nên dạy con cách từ chối người lạ để tránh bị bắt cóc
Dấu hiệu nhận biết số 5: Luôn giả mạo là bạn bè của ba mẹ
Để kế hoạch bắt cóc trẻ thành công, những kẻ có ý đồ xấu luôn tìm mọi thông tin về gia đình của đứa trẻ. Thậm chí, ngay cả người lớn cũng có thể bị đánh lừa bởi các đối tượng này. Chúng thường nắm rõ từng thông tin của gia đình, thậm chí là ngày tháng năm sinh của trẻ.
Vì vậy, phụ huynh hãy dạy con cách từ chối và nhờ sự trợ giúp từ thầy cô khi bắt gặp tình huống này. Nhớ đừng bao giờ để trẻ đi theo người lạ.
Dấu hiệu nhận biết số 6: Dùng đứa trẻ khác để tiếp cận mục tiêu
Một số trường hợp các mẹ không ngờ đến chính là kẻ bắt cóc lợi dụng những đứa trẻ khác để tiếp cận mục tiêu. Có thể, chúng sẽ nhờ các em nhỏ rủ nhau ra sân chơi hoặc nơi vắng vẻ để dễ dàng hành động. Vì thế, hãy dặn dò con không đi theo người lạ, dù đó là trẻ nhỏ hay người lớn.
Dấu hiệu nhận biết số 7: Người lạ mời trẻ lên xe
Hãy dạy trẻ cách đề phòng khi thấy có dấu hiệu một chiếc xe lạ đi ở phía sau. Với người lớn, nếu thấy điều này thì nên tìm mọi cách để cảnh báo cho trẻ biết bởi chắc chắn những người này đang có mưu đồ đen tối.
Đừng quên dặn trẻ cảnh giác khi thấy ai đó lạ mời mình lên xe dọc đường. Nếu thấy xe đi từ từ phía sau, nên tìm trợ giúp từ những người xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết số 8: Lợi dụng tính tò mò, hiếu thắng của trẻ nhỏ
Phần lớn kẻ có ý đồ bắt cóc đều lợi dụng tính tò mò, hiếu thắng của trẻ nhỏ để hành động. Chúng thường ăn mặc cá tính rồi nói mấy câu dạng thách thức như: "Chỉ người dũng cảm mới dám lên xe này" hay "Chàng trai dũng cảm nào dám lên xe này với chú?"...
Dấu hiệu nhận biết số 9: Giả làm nhà sản xuất phim hay nhiếp ảnh gia
Đã từng có nhiều trường hợp kẻ bắt cóc giả làm các nhà sản xuất phim hay nhiếp ảnh gia để đánh vào tâm lý thích danh tiếng của các bé lớn khoảng 10 tuổi trở lên.
Sau khi lấy được lòng tin của con, chúng thường đề nghị trẻ đi cùng để test thử khả năng chụp hình hay diễn xuất. Vì thế, các bậc phụ huynh cần cảnh giác điều này với con bởi sẽ chẳng có nhà sản xuất nào tìm cách tiếp cận một cách đột xuất trên đường phố cả.
Dấu hiệu nhận biết số 10: Giả làm cảnh sát
Hãy nhắc nhở trẻ, nếu có ai đó là cảnh sát đề nghị giúp đỡ con thì nên cẩn thận. Các bậc phụ huynh nên dạy con cách đề phòng bằng cách cung cấp thông tin cha mẹ cho viên cảnh sát đó và đợi gia đình đến đón. Tuyệt đối không đi cùng, nếu kẻ đó không có ý định gọi cho cha mẹ thì chắc chắn chúng có ý đồ xấu.
Dấu hiệu nhận biết số 11: Thái độ bên ngoài của người lạ và đứa trẻ
Để nhận biết kẻ có ý đồ bắt cóc, hãy chú ý tới thái độ bên ngoài của họ và đứa trẻ. Đây là yếu tố để người ngoài có thể nhận ra sự bất thường và giải cứu con trẻ khỏi kế hoạch của kẻ xấu.
Xem thêm các thông tin hữu ích khác về trẻ em tại đây.
Phương AnhBạn đang xem bài viết 11 dấu hiệu nhận biết kẻ bắt cóc trẻ em, cha mẹ nhất định phải nắm rõ tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].