Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, những năm qua, mặc dù Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong việc giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi nhưng vẫn còn tồn tại sự khác biệt về tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của các bà mẹ và trẻ em, nhất là tại nông thôn.
Câu lạc bộ 1.000 ngày đầu đời vì sự phát triển toàn diện của trẻ tại Hà Nam không những đem lại những lợi ích thiết thực trong chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng mà còn tổ chức được các hoạt động chia sẻ giữa những người chăm sóc trẻ, những người mang thai.
Từ đó, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và dự phòng cho những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra trong suốt quá trình từ lúc mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi.
Mô hình đã được triển khai có hiệu quả tại Hà Nam và được Bộ Y tế đánh giá cao, có khả năng nhân rộng, đồng thời tích hợp, lồng ghép vào các chương trình quốc gia như chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em,… hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân Việt Nam.
GS. Jane Fisher - Đại học Monash nhấn mạnh, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển giai đoạn đầu đởi của trẻ em tại nông thôn và cần có phương hướng can thiệp cụ thể như giảm tỉ lệ trẻ thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, bạo lực...
ThS. Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho hay, Câu lạc bộ 1.000 ngày đầu đời sẽ giúp cải thiện chỉ số phát triển nhận thức trẻ 24 tháng tuổi, giảm tỉ lệ thấp còi ở trẻ 24 tháng tuổi và lồng ghép mô hình câu lạc bộ vào chương trình quốc gia...
Qua quá trình triển khai, tại Câu lạc bộ, phụ nữ mang thai, các ông bố và người thân trong gia đình sẽ được hướng dẫn cách chăm bé đúng cách, tắm bé và thay bỉm, tập thể dục trong quá trình mang thai... thu hút hơn 4.300 lượt người tham gia sinh hoạt câu lạc bộ.
Hồng HảiBạn đang xem bài viết 1.000 ngày đầu đời của trẻ quan trọng như thế nào? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].