Sau đây là 10 mẹo đơn giản để chơi với bé dưới 3 tuổi, độ tuổi mà não bộ của bé phát triển mạnh mẽ nhất.
1. Bé chọn đồ vật
Tất cả mọi thứ xung quanh đều thú vị với trẻ, vì vậy hãy giới thiệu với con cả thế giới, bằng những hoạt động đơn giản.
Cha mẹ lấy một đồ vật ở gần trẻ và miêu tả bề ngoài của chúng.
Hãy đảm bảo rằng bạn thêm một số tính từ để miêu tả, ví dụ: ‘Đây là quả táo, nó đỏ và tròn’.
Sử dụng hoa quả, đồ dùng nhà bếp hoặc bất cứ thứ gì xung quanh ngôi nhà để bé chơi trò này. Bạn sẽ ngạc nhiên vì sau đó vài tháng bé bắt đầu nhận biết đồ vật xung quanh vô cùng nhanh chóng.
2. Trò chơi tiếp xúc
Hãy để bé học hỏi thông qua xúc giác.
Để xung quanh bé những vật dụng gia đình có kết cấu khác nhau, ví dụ như con vịt cao su, thú nhồi bông, một cái rổ nhựa bé, một mẩu vải lụa, một tấm giấy ráp sạch…
Đảm bảo rằng không đồ vật nào có cạnh sắc, quá nóng hoặc quá lạnh, hoặc có dây lỏng lẻo.
Đặt các đồ vật lên chiếu, xung quanh chỗ trẻ chơi và ngồi với bé, miêu tả mỗi đồ vật. Hãy dùng những từ chỉ xúc giác như trơn, dẻo, mềm, phẳng hay ráp… Sau đó đưa cho để bé chơi với từng đồ vật.
3. Thử nghiệm với mùi hương
Trong một vài tháng đầu đời, hầu hết sự kích ứng của trẻ đều do hình ảnh.
Tuy nhiên từ 4 – 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu phát triển kỹ năng nhận biết mùi hương. Trẻ bắt đầu phân biệt được những mùi thơm khác nhau.
Hãy chọn vài đồ vật trong nhà, ví dụ như quả táo, một ít nước hoa yêu thích của mẹ hay kem cạo râu của bố.
Để độ vạt trước mũi bé, mỗi làn một thứ, trong lúc giới thiệu: ‘Con ngửi quả táo này xem… Mùi nước hoa thế nào…’.
Nếu trẻ tỏ ra không thích một mùi hương nào đó, hãy không giới thiệu với trẻ mùi hương đó trong một thời gian.
4. Trò chơi với cơ thể
Giống như chơi ú òa, nhưng bạn có thể ‘cải biến’ trò chơi một chút để giúp bé nhận biết các bộ phận trên cơ thể.
Hãy dùng một chiếc khăn nhiều màu sắc, phủ lên đầu bé và hỏi ‘Đầu con đâu rồi’, sau vài giây, nhấc khăn ra và nói ‘Đây rồi’.
Lặp lại tương tự với các bộ phận khác trên cơ thể bé, kết thúc là đôi chân.
Kiểm tra xem bé có nhớ một bộ phận cụ thể trên cơ thể sau một vài lần bạn thực hiện trò chơi.
5. Tập tầm vông
Đây là trò chơi giúp trẻ duy trì nhận thức rằng: có những thứ tồn tại mặc dù bé không thể nhìn thấy chúng.
Cho trẻ thấy bạn giấu một đồ chơi nhỏ trong lòng bàn tay.
Nắm chặt cả hai tay trước mặt bé và đố con tìm được tay nào giấu đồ. Bạn có thể hướng dẫn trẻ chơi hoặc làm mẫu với anh/chị của bé.
Đừng quên biểu cảm thật hào hứng và nhiệt tình nếu như bé đoán đúng tay đang giữ đồ chơi.
6. Đi tìm màu sắc
Đây là một trò chơi khác phù hợp với giai đoạn bé bắt đầu nhận thức được rằng có những thứ tồn tại ngay cả khi bé không nhìn thấy. Trò chơi cũng giúp bé học được cách nhận biết màu sắc.
Dán một tờ giấy có màu sắc sặc sỡ lên phía trên một tờ giấy trắng. Đưa cho trẻ nhìn thấy mặt màu trắng trước. Sau đó lật mặt kia để bé nhận ra màu xanh, hoặc màu đỏ, vàng, cam…
Hãy nhớ diễn tả cảm xúc thật sinh động qua giọng nói, khi nói: ‘Màu xanh đây rồi!’
7. Hướng dẫn đơn giản
Lắng nghe những hướng dẫn đơn giản sẽ giúp đào tạo khả năng nhận thức của con bạn.
Hãy chọn 3 đồ chơi khác nhau và đặt xuống chiếu, ở giữa bạn và em bé.
Sau đó, mẹ làm mẫu bằng cách nói: ‘Mẹ lấy quả bóng nhé’, rồi nhấc quả bóng lên.
Nói với con: ‘Nhấc quả bóng nào’ và khuyến khích bé chọn đúng đồ chơi theo yêu cầu của bạn.
Đưa ra một hướng dẫn khác, ví dụ: ‘Thơm em búp bê nào!’ Bạn hãy làm mẫu trước và để cho con bạn làm tương tự.
Hãy thử nhiều hướng dẫn, ví dụ như đặt – nhấc đồ chơi hoặc mang đồ dùng đưa cho mẹ. Nguyên tắc là luôn làm mẫu trước, sau đó để cho bé tự làm theo. Nhắc lại hướng dẫn 2 – 3 lần để duy trì nhận thức của bé về các từ, kết nối hướng dẫn với hành động.
Và dĩ nhiên, hãy khen ngợi bé thật nhiều mỗi lần bé thực hiện đúng.
8. Trò chơi ghi nhớ
Trò chơi này sẽ giúp bé phát triển khả năng ghi nhớ, thích hợp với trẻ 3 tuổi.
Đặt 3 – 4 đồ chơi trước mặt trẻ và để cho bé vài phút để nhớ vị trí của đồ chơi. Sau đó yêu cầu bé nhắm mắt, di chuyển vị trí của đồ chơi. Đố bé phát hiện đồ chơi nào đã bị di chuyển.
Thay đổi màu sắc và hình dạng của đồ chơi mỗi lần chơi.
9. Các hình đi trốn
Trò chơi ‘các hình đi trốn’ giúp bé học được về hình và màu một cách vui vẻ.
Cắt các tờ bìa cứng nhiều màu thành các hình cơ bản như tam giác, hình vuông, hình tròn và chữ nhật, hoặc cũng có thể sử dụng các đồ chơi bằng nhựa có các hình trên, nếu bạn có sẵn.
Giấu các hình đã cắt vào địa điểm dễ tìm, sau đó yêu cầu bé đi tìm các hình. Hãy giúp trẻ dễ dàng tìm được bằng cách nói: ‘Hình tam giác màu đỏ ở dưới giường’. ‘Hình vuông màu xanh ở trên ghế’, ‘Hình tròn màu xanh lá cây ở dưới gầm bàn’…
Các câu hỏi này sẽ giúp các bé có nhận thức về màu sắc và hình dạng, cũng như nhận biết về các từ như trên, dưới, trong, ngoài…
10. Thời gian yên tĩnh
Từ khi chào đời, bé đã ‘rơi vào’ một thế giới có quá nhiều sự kích thích. Nhưng trẻ cần có thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ và học hỏi về cuộc sống xung quanh mình.
Đó là lý do vì sao trẻ cần học cách tĩnh lặng. Hãy bắt đầu giới thiệu cho trẻ lịch trình để học cách im lặng bằng cách mỗi ngày dành 15 đến 30 phút để ở bên cạnh bé một cách tĩnh lặng.
Hãy đọc một cuốn sách yêu thích cho bé khi đang ngồi trên ghế bành thư giãn, nghe một bản nhạc êm dịu từ đĩa CD… Cũng có thể nằm với con trong chăn, ngắm nhìn xung quanh hoặc đơn giản nhìn vào mắt con và mỉm cười.
Hãy chắc chắn rằng có rất ít âm thanh, giọng nói, tiếng hát hoặc tiếng ồn ào. Đó sẽ là khoảng thời gian chất lượng của gia đình bạn.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết 10 trò chơi đơn giản giúp con phát triển trí thông minh tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].