1. Cha mẹ có trách nhiệm dạy con bằng hành động hơn là lời nói
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ học được từ quan sát và trải nghiệm hơn là lời nói dạy bảo.
Cha mẹ có trách nhiệm sẽ làm tấm gương cho con học theo. Do đó thay vì nói con "hãy lịch sự", họ sẽ minh họa bằng việc luôn lịch sự trong cuộc sống hàng ngày.
2. Cha mẹ có trách nhiệm khuyến khích nhiều, chỉ trích ít
Cha mẹ có trách nhiệm sẽ giúp con hình thành sự tự tin bằng cách khuyến khích và tạo động lực cho trẻ phát triển những thế mạnh và phẩm chất tốt.
Liên tục chỉ trích, chê trách có thể khiến con mất tự tin, khiến con sợ hãi và dè dặt.
Trong khi đó việc biểu dương những hành động tốt thường xuyên sẽ giúp trẻ mạnh mẽ, tự tin và tích cực.
3. Cha mẹ có trách nhiệm dành thời gian chất lượng cho con
Các báo cáo chỉ ra rằng khi nói đến việc dành thời gian cho con thì thời lượng hơn là chất lượng.
Một giờ đồng hồ bên con một cách yên bình, không bị xao nhãng và chất lượng nhất còn hơn là 4 giờ đồng hồ với những tranh cãi không hồi kết, xao nhãng và phân chia sự tập trung vào nhiều việc riêng.
Cha mẹ có trách nhiệm sẽ dành thời gian chất lượng cho con để xây dựng tình cảm gắn kết giữa cha mẹ và con cái.
4. Cha mẹ có trách nhiệm là những cá thể có trách nhiệm
Trẻ học được từ hành động hơn là lời nói. Cha mẹ có trách nhiệm sẽ cư xử một cách có trách nhiệm trước mặt con.
Là công dân có trách nhiệm, họ sẽ biết quan tâm môi trường, đối xử tốt với mọi người, trung thực và sống chân thành.
5. Cha mẹ có trách nhiệm khuyến khích những cuộc trò chuyện với con cái
Điều này sẽ mang lại hai lợi ích: khiến trẻ cảm thấy mình quan trọng khi ý kiến của mình được lắng nghe và giúp trẻ phát triển kỹ năng tự thể hiện bản thân.
Rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết với sự trao đổi, trò chuyện cởi mở, logic, lành mạnh.
Cha mẹ có trách nhiệm sẽ chủ động lắng nghe con để có những cuộc trao đổi hữu ích với con.
6. Cha mẹ có trách nhiệm thể hiện tình cảm với nhau
Một nghiên cứu của Robert Epstein và Shannon Fox báo cáo rằng một trong những điều quan trọng khi làm cha mẹ là thể hiện tình cảm với nhau để nuôi dạy những đứa con hạnh phúc.
Cha mẹ có trách nhiệm sẽ thể hiện sự hạnh phúc và gắn kết với bạn đời để tạo tấm gương tốt cho con.
7. Cha mẹ có trách nhiệm hiểu ngôn ngữ tình yêu của con
Tác giả Gary Chapman đã chỉ ra 5 ngôn ngữ tình yêu dành cho trẻ em: cử chỉ âu yếm, lời khen ngợi, thời gian chia sẻ, quà tặng, sự tận tụy.
Cha mẹ có trách nhiệm không chỉ hiểu ngôn ngữ tình yêu của con mà còn biết giao tiếp với con bằng loại ngôn ngữ đó.
Điều này giúp đáp ứng nhu cầu về mặt tình cảm, cảm xúc của con trẻ.
8. Cha mẹ có trách nhiệm để con tự quyết định
Để con tự quyết định giúp con tự khám phá và cảm thấy mình quan trọng hơn.
Việc này nên bắt đầu từ nhỏ, và cấp độ các quyết định sẽ tùy theo độ tuổi và sự trưởng thành của trẻ.
Thay vì để trẻ quyết định bất cứ thứ gì mình muốn, cha mẹ có trách nhiệm sẽ cho trẻ các sự lựa chọn và để trẻ chọn.
Dần dần khi khả năng đánh giá của trẻ phát triển, những lựa chọn của con có thể được mở rộng.
9. Cha mẹ có trách nhiệm coi trọng giá trị tinh thần hơn là giá trị vật chất
Cha mẹ có trách nhiệm sẽ đề cao giá trị của sự trung thực, tốt bụng, biết cảm thông và chính trực hơn là những giá trị vật chất như điểm số, ganh đua, các món đồ đắt tiền hay việc trưng diện.
Họ hiểu rằng đạo đức tốt còn quan trọng hơn là điểm số cao.
10. Cha mẹ có trách nhiệm không dạy con theo khuôn mẫu và tạo cho con những kỷ niệm tốt đẹp
Họ không theo cách dạy con kiểu cha mẹ trực thăng hay lơ là, không quan tâm con cái.
Họ luôn ở bên con, nuôi dạy con bằng cách mang đến cho con một gia đình hạnh phúc.
Họ tạo cho con những kỷ niệm tốt đẹp sẽ được ghi nhớ suốt đời.
(Theo Medium)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 điều cha mẹ có trách nhiệm mới làm được cho con tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].