Dưới đây là tổng hợp 10 bức ảnh nhìn qua có vẻ rất bình thường và không mang lại hiệu ứng thị giác ngoạn mục ấn tượng nhưng ẩn chứa những câu chuyện có thể ấn tượng, khó quên, kỳ lạ, đáng buồn,... phía sau.
1. Ông Tadeusz Zytkiewicz cầm trên tay bức ảnh của chính mình
Ông Tadeusz đang cầm trên tay bức ảnh đẹp nhất năm 1987 do tạp chí National Geographic bình chọn.
Trong ảnh là bác sĩ Zbigniew Religa đang theo dõi bệnh nhân của mình sau khi thực hiện ca phẫu thuật ghép tim đầu tiên tại Ba Lan kéo dài 23 giờ đồng hồ.
Ở góc dưới bên phải bức ảnh ấy là một trong những đồng nghiệp của ông ngủ thiếp đi sau ca phẫu thuật.
Mặc dù ca mổ này vào thời điểm đó được cho là gần như không thể thành công, bác sĩ Religa vẫn nắm lấy cơ hội và bệnh nhân của ông - chính là ông Tadeusz Zytkiewicz - đã qua khỏi và thậm chí còn sống thọ hơn cả cứu tinh của mình.
2. Ba người hùng thầm lặng của Chernobyl
Nếu không nhờ ba người đàn ông trong bức ảnh - Alexei Ananenko (thứ hai bên trái), binh sĩ Valeri Bezpalov (giữa) và Boris Baranov (ngoài cùng bên phải) - hàng triệu người đã thiệt mạng trong thảm họa Chernobyl.
Mười ngày sau thảm hoạ, hệ thống làm mát bằng nước của nhà máy đã bị tê liệt và một hồ nước đã hình thành ngay dưới lò phản ứng phóng xạ cao.
Nếu không làm mát, chất giống như dung nham có thể dễ dàng tan chảy qua các vách ngăn, làm rơi lõi lò phản ứng xuống nước.
Nếu điều này xảy ra - nó sẽ gây ra vụ nổ hơi nước, bắn bức xạ cao và rộng lên bầu trời, lan ra khắp nhiều khu vực Châu Âu, Châu Á và Châu Phi.
Trong ảnh, kỹ sư Alexei cùng với Valeri và Boris được trang bị đồ bảo hộ sau khi họ tình nguyện lặn xuống nước và hút chất lỏng gần lò phản ứng trong thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina năm 1986.
Nhiệm vụ đã thành công và dù vẫn có thiệt hại nặng nề nhưng ba người hùng đã ngăn thảm hoạ bớt tàn khốc hơn rất nhiều.
Điều đáng ngạc nhiên và may mắn nhất là cả ba người đàn ông đều sống sót.
3. Cher Ami
Chú chim bồ câu này đã giao thư từ một tiểu đoàn bị mắc kẹt trong Thế chiến 1 giúp cứu gần 200 người đàn ông.
Nó đã bị trúng nhiều viên đạn, mất một chân và mù một bên mắt. Những người lính đã làm cho nó một chiếc chân gỗ và đặt tên cho nó là "Cher Ami" (dù đó là một con bồ câu cái, trong khi từ "Ami" tiếng Pháp chỉ giới tính nam). Tên của nó có nghĩa là "Anh bạn thân mến".
4. Bố ơi, đợi con với
Đây là một bức ảnh cảm động được chụp lại bởi nhiếp ảnh gia Claude Detloff ở Vancouver khi những người lính của Công tước Connaught hành quân ra trận trong Thế chiến 2.
Biểu cảm của cậu bé cùng hai bố mẹ và cử chỉ của họ tạo nên hình ảnh khó quên. May mắn ông bố của cậu bé đã trở về an toàn vào tháng 10/1945.
5. Phía sau quầy
Khoảnh khắc gây phẫn nộ được chụp vào ngày 28/5/1963 bởi Fred Blackwell, một nhiếp ảnh gia của tờ nhật báo Jackson Daily News.
Tại một quầy màu trắng ở một cửa hàng đồng giá 5 xu ở Woolworth, Jackson có ba người biểu tình phản đối đang ngồi, từ trái sang phải lần lượt là John Salter, một giáo viên xã hội học và hai sinh viên Joan Trumpauer và Anne Moody.
Cả ba đều đến từ trường Tougaloo - một trường đại học dành cho người da màu, nơi đã trở thành nòng cốt của phong trào dân quyền ở Mississippi. Khi đang ngồi ở quầy, cả nhóm bị một đám đông da trắng giận dữ tấn công, họ đổ sốt cà chua, mù tạt và đường lên đầu John, Joan và Anne.
6. Những người bạn thời thơ ấu
Được ghi lại bởi Jacques Gourmelen, bức ảnh đã trở thành một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng của người dân Brittany, Pháp.
Vào 6/4/1972, tại Saint-Brieuc, các công nhân của công ty Joint Français đã đình công và CRS (cảnh sát chống bạo động Pháp) đã can thiệp.
Trong ảnh, hai người đàn ông đang đối mặt nhau - Guy Burmieux, một công nhân và Jean-Yvon Antignac, một cảnh sát chống bạo động. Hai người nhận ra người kia chính là bạn thời thơ ấu của mình.
Nhiếp ảnh gia sau này nhớ lại: "Tôi thấy anh ấy (Guy Burmieux) đi về phía bạn mình và túm lấy cổ áo anh ta. Anh ấy đã gào lên trong cơn thịnh nộ: "Cứ đánh tôi đi nếu anh muốn!". Nhưng người bạn đã không hề ra tay.
7. Hạnh phúc vỡ òa
Đây là bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer của nhiếp ảnh gia báo Associated - Slava "Sal" Veder chụp ngày 17/3/1973 tại căn cứ không quân Travis ở California.
Trong ảnh là người lính phòng không không quân Hoa Kỳ - Lt Col Robert L. Stirm đang đoàn tụ cùng gia đình, sau hơn 5 năm bị giam cầm như một tù nhân chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam.
Trung tâm của bức ảnh là cô con gái 15 tuổi của Robert, Lorrie, với đôi tay dang rộng và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt khi chạy đến bên cha.
"Bạn có thể cảm nhận được năng lượng và cảm xúc mộc mạc trong bầu không khí đó", nhiếp ảnh gia nhớ lại.
Bức ảnh đã trở thành một biểu tượng của sự chấm dứt chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam.
8. Hai anh em
Bức ảnh vui tươi, sống động của hai anh em Michael và Sean McQuilken được chụp tại núi đá Moro Rock ở Công viên Quốc gia Sequoia ở California vào ngày 20/8/1975. Bức ảnh được chụp bởi chị gái Mary của họ chỉ vài giây trước khi họ bị sét đánh.
Một trong hai anh em sau đó nhớ lại: "Lúc bấy giờ, chúng tôi nghĩ điều này thật hài hước. Tôi chụp ảnh Mary còn Mary chụp ảnh Sean và tôi. Tôi giơ tay phải lên không trung và chiếc chuông trên tay tôi đeo bắt đầu kêu to đến mức mọi người đều có thể nghe thấy.
Sau đó tôi thấy mình nằm trên mặt đất với những người khác. Sean đã ngã khuỵu xuống. Khói bốc lên từ lưng em ấy." Lúc đó, cả ba người đều sống sót, nhưng Sean, người em trai, đã tự sát vào năm 1989.
9. Người mẹ nhỏ tuổi nhất thế giới
Lên 5 tuổi, Lina Medina (sinh ngày 23/9/1933) được bố mẹ đưa vào viện trong tình trạng bụng cô bé phát triển bất thường.
Sau khi các bác sĩ kiểm tra, họ phát hiện một sự thật gây sốc: Lina đã mang thai bảy tháng. Rõ ràng, cô bé Lina rơi vào trường hợp hy hữu gọi là "dậy thì sớm", mà nói một cách đơn giản là, các cơ quan sinh sản của cô phát triển sớm hơn bình thường.
Lina Medina sau đó chính thức trở thành bà mẹ trẻ nhất trong lịch sử y học. Cô sinh một bé trai vào ngày 14/5/1939 bằng cách sinh mổ vì xương chậu của cô quá nhỏ.
Đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh và được đặt tên là Gerardo. Tuy nhiên, cha của đứa trẻ vẫn còn là một ẩn số.
10. Bán con
Bức ảnh bi thảm này được chụp vào năm 1948. Bốn đứa trẻ ngồi trước bậc cửa trong khi mẹ của chúng xấu hổ che mặt lại khỏi ống kính đang chĩa vào mình.
Lucille Chalifoux, chỉ mới 24 tuổi, nhưng khi ấy đã đang mang thai đứa con thứ năm. Chồng cô vừa mất việc và gia đình họ đang phải đối mặt với việc bị đuổi khỏi nhà.
Để tránh rơi vào tình trạng vô gia cư, cặp bố mẹ này đã chọn cách bán đấu giá con của mình. Tất cả những đứa trẻ cuối cùng đã bị bán đi hết. Một số, nghe nói rằng, đã bị bán làm nô lệ.
(Theo Bored Panda)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 10 bức ảnh tưởng bình thường cho đến khi bạn biết được câu chuyện ẩn phía sau tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].