1. Ngao Tây Tạng là một trong những loài chó có kích thước lớn nhất thế giới
Chó Ngao Tây Tạng đực khi trưởng thành có thể từ 43 - 75kg, có những con lên tới 100kg. Chiều cao khiêm tốn nhất của một con chó cũng rơi vào khoảng 70 - 80cm.
2. Nằm trong top những loài chó săn thiện chiến nhất
Đừng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài mũm mĩm đáng yêu, một con chó Ngao Tây Tạng trưởng thành có khả năng hạ gục những loài động vật ăn thịt hùng mạnh nhất như hổ, sư tử, chó sói hay gấu.
3. Có trí thông minh cao
Chúng học rất nhanh những gì được chủ nhân dạy và cực kỳ nhạy bén với kẻ thù. Khác với chó cảnh, Ngao Tây Tạng không thích chơi trò chơi, giống chó này lúc nào cũng tập trung cảnh giác, sẵn sàng tấn công khi phát hiện kẻ địch.
4. Ngao Tây Tạng chỉ thay lông 1 lần trong năm
Để thích nghi với khí hậu lạnh lẽo ở vùng núi phía bắc Trung Quốc, Ngao Tây Tạng có bộ lông dày 2 lớp: bên ngoài mềm và dài, bên trong ngắn và mềm như bông. Nhìn từ xa, lớp lông xù ở cổ khiến chúng trông không khác gì sư tử.
5. Chỉ trung thành với duy nhất một chủ nhân
Ngao Tây Tạng giống như một cỗ máy, chúng chỉ nhận diện một người chủ nhân trong suốt cuộc đời và sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ người đó. Việc một chú chó Ngao Tây Tạng thay lòng đổi dạ là gần như không thể.
6. Thích ở trong nhà hơn ra ngoài
Thực ra không phải chúng lười biếng, mà đây là cách để Ngao Tây Tạng tiết kiệm năng lượng cho những cuộc tấn công. Đến đêm, hầu như chúng không ngủ mà sẽ canh chừng tất cả, thậm chí còn sủa đến sáng.
7. Ngao Tây Tạng rất nhạy cảm
Chúng không thích bị xích một chỗ, nhưng cũng không muốn tiếp xúc với quá nhiều người. Ngao Tây Tạng rất nhạy bén với những thay đổi diễn ra xung quanh, chính vì thế chúng mới có thể nhận biết kẻ thù.
8. Sở hữu bộ gen cổ nhất
Ngao Tây Tạng đã xuất hiện từ 5000 năm trước, người ta cứ ngỡ nó đã tuyệt chủng như những loài động vật cổ khác. Đến thế kỷ 18, hai nhà thám hiểm người Ý đã phát hiện ra giống chó này vẫn còn tồn tại tại ngôi làng Jhangihe, toạ lạc ở độ cao 5200m so với mực nước biển giữa khu tự trị Tây Tạng.
9. Được người dân coi là biểu tượng của tâm linh
Người Tây Tạng tin rằng loài chó này có linh hồn tinh khiết giống như các tăng ni, chúng sẽ dẫn đường cho người chết đi vào cõi vĩnh hằng. Vì thế, Ngao Tây Tạng còn được tôn là là “thần khuyển” ở Trung Quốc.
10. Rất thích thời tiết lạnh
Vốn có tổ tiên sống ở khu vực lạnh khô, Ngao Tây Tạng không thích thời tiết nóng. Không phải chúng không thể sống, mà vì nhiệt độ cao khiến giống chó này dễ bị mắc bệnh và cảm xúc không ổn định.
Tuy đã được thuần hóa để nuôi trong nhà, Ngao Tây Tạng vẫn là một loài chó nguy hiểm, cần hết sức đề phòng.
Dưới đây là những biện pháp phòng ngự và tự vệ trong trường hợp bị chó tấn công, dù là Ngao Tây Tạng hay bất kỳ loài chó khác.
Khi nhìn thấy chó lạ, đừng làm những hành động trêu đùa hay gây gổ với chúng.
Nếu bị chó sủa hoặc gầm gừ, hãy tự bảo vệ mình bằng cách lấy cặp sách, áo khoác hay giày và coi chúng như khiên chắn phòng ngự.
Trường hợp bị chó tấn công và không thể chống trả, hãy nằm co mình tư thế trẻ sơ sinh, vòng tay quanh đầu bảo vệ phần tai và cổ, nắm chặt bàn tay bảo vệ các ngón tay.
Nếu có thể, hãy thu hút sự chú ý của chúng bằng cách ném đồ vật ra xa để thoát thân.
Cố gắng tìm gậy hoặc vật có chiều dài để phòng vệ. Hầu hết chó sẽ tấn công vào vũ khí của nạn nhân trước.
Trong nhiều trường hợp, dao không phải là vũ khí tối ưu giúp người bị cắn thoát nạn. Do có kích thước ngắn, chó dễ dàng cắn cổ tay, khiến nạn nhân buộc phải từ bỏ vũ khí. Đặc biệt, với giống chó săn như Ngao Tây Tạng hay Pitbull, mức độ chịu đau của chúng rất cao, kể cả khi bị đâm, chúng vẫn không tha cho con mồi.
Theo chuyên gia, một trong những đồ vật tốt nhất để chống trả khi bị chó tấn công là bình cứu hỏa. Chiếc vòi xịt được thiết kế khá dài giúp nới rộng khoảng cách tiếp xúc với chó, đồng thời khí trong bình cứu hỏa khiến chúng bị cay mắt, mất khả năng đánh hơi, thậm chí ngạt thở.
Khi bị chó lao vào cắn, hãy đánh hoặc đá vào vùng cổ họng, mũi và phía sau gáy chúng. Đây là những điểm yếu trên cơ thể chó, bị đánh vào đó sẽ khiến chúng đau đớn và có thể lùi bước.
Đừng cố giãy hoặc kéo vùng cơ thể bị chó cắn, điều này chỉ khiến răng chó cắm sâu thêm và làm vết thương nghiêm trọng hơn.
Sau khi bị chó cắn, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị và tiêm phòng.
Kim OanhBạn đang xem bài viết 10 bí mật của 'thần khuyển' Ngao Tây Tạng và cách thoát thân khi bị chúng tấn công tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].