N.P.A. (32 tuổi, ở Hà Nội) có sở thích ăn các đồ ăn nhanh như mê xúc xích, mỳ tôm. Cộng với đó là việc thay đổi môi trường sống liên tục khiến cân nặng của cô tăng chóng mặt.
Từ một cô gái mình hạc xương mai nặng 47kg chỉ sau một mùa hè cân nặng của cô lên đến 63kg, rồi dần dần trở nên béo ú, cân nặng đạt mốc 93kg.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp giảm cân như hạn chế ăn uống, tập luyện vất vả… nhưng cân nặng vẫn không thay đổi.
Sau đó N.P.A. đã tìm đến các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa - Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) để được giúp đỡ.
Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống để điều trị bệnh béo phì cho bệnh nhân.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện vị trí các cơ quan phủ tạng của bệnh nhân bị đảo ngược. Người bình thường lá lách nằm bên trái, bệnh nhân P.N. lá lách nằm bên phải, gan đảo ngược chiều khiến cuộc mổ khó khăn. Kíp mổ phải đứng vị trí ngược lại so với ca mổ bình thường khác.
Hiện sau gần 2 tháng rưỡi phẫu thuật bệnh nhân giảm được 19kg, sức khỏe bệnh nhân tốt, tinh thần vui vẻ, tự tin hơn.
Đại tá PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết, phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày hình ống nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn vùng phình vị lớn, nơi tiết ra hoóc môn Ghrelin (loại hoóc môn tạo cảm giác thèm ăn, tạo cảm giác đói).
Đồng thời phương pháp này cũng giúp loại bỏ khoảng 70 - 80% dạ dày phía bờ cong lớn, tạo ra một ống dạ dày hẹp với thể tích khoảng 150 - 200 ml.
Từ đó giúp bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ mất cảm giác thèm ăn, nhanh chóng đạt được cảm giác no và thỏa mãn với một lượng thức ăn nhỏ, năng lượng nạp vào ít đi, bệnh nhân sẽ giảm cân ổn định sau mổ.
Bệnh nhân sau mổ chỉ để lại vài vết sẹo nhỏ trên thành bụng (kích thước từ 1 đến 2cm) theo thời gian các vết sẹo này mờ dần và lẫn vào nếp da.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành phẫu thuật thu nhỏ dạ dày cho 5 trường hợp bệnh nhân bị thừa cân béo phì, giúp các bệnh nhân giảm được khoảng 15 – 19 kg sau khoảng 2 tháng phẫu thuật.
Béo phì không chỉ khiến người bệnh khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, hòa nhập cộng đồng, rối loạn về tâm lý mà đáng lo ngại khi bệnh béo phì làm gia tăng nguy cơ các bệnh lý khác như tim mạch, phổi, cơ xương khớp, … gây tác động xấu tới sức khỏe người bệnh.
Trước đây người ta thường không nghĩ béo phì là bệnh, tuy nhiên đây lại là một bệnh lý cần được điều trị.
Chữa bệnh béo phì có nhiều phương pháp, như giảm chế độ ăn, tập luyện cường độ cao, dùng thuốc.
Tuy nhiên, các phương pháp này không có tác dụng về mặt lâu dài. Hơn nữa, với các phương pháp này tình trạng béo phì có thể giảm xuống trong một vài tháng đến 1 - 2 năm nhưng sau 5 năm có tới 95% các trường hợp béo phì này quay trở lại cân nặng lúc ban đầu thậm chí tăng hơn.
Chính vì vậy việc điều trị ngoại khoa nếu xét về lâu dài có kết quả rất khả quan. Phương pháp phẫu thuật cắt một phần dạ dày để giảm béo thường được chỉ định dành cho những bệnh nhân béo phì không thể giảm cân bằng các phương pháp khác hoặc kèm theo một bệnh lý khác.
L.MinhBạn đang xem bài viết Nặng hơn 90kg, cô gái Hà Nội đi cắt một phần dạ dày để giảm cân tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].