Theo CNN, các nhà nghiên cứu Australia cho biết phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện các tế bào ung thư trong 10 phút. Việc phát hiện sớm và chính xác ung thư giúp tăng tỷ lệ thành công của điều trị và phẫu thuật điều trị.
Thử nghiệm này được tiến hành sau khi các nhà nghiên cứu từ Đại học Queensland phát hiện tế bào ung thư tạo thành một cấu trúc DNA duy nhất khi được đặt trong nước. Họ tiến hành xác định sự hiện diện của cấu trúc đó.
Các nhà nghiên cứu sử dụng một kính hiển vi có độ phân giải cao và thấy được các mảnh ADN ung thư được xếp thành các cấu trúc ba chiều trong nước. "Nó khác với những DNA mô bình thường trong nước", bác sĩ giải thích.
Thử nghiệm này sử dụng các hạt vàng, liên kết với DNA bị ảnh hưởng bởi ung thư, sau đó tiến hành nghiên cứu lâm sàng để phát hiện tế bào ác tính.
Giáo sư Matt Trau phát biểu: "Khám phá ra các phân tử DNA ung thư tạo thành các cấu trúc nano 3D hoàn toàn khác với DNA tuần hoàn bình thường là một bước đột phá. Đây là phương pháp hoàn toàn mới phát hiện ung thư mà không xâm lấn bất kỳ loại mô nào kể cả máu".
"Khi đó, chúng ta có thể tạo ra các thiết bị phát hiện rẻ tiền và di động được sử dụng như một công cụ chẩn đoán", ông nói thêm.
Hiện nay, phương pháp xét nghiệm này được sử dụng để phát hiện ung thư vú, tuyến tiền liệt, ruột và ung thư hạch. Các nhà khoa học tự tin rằng cách thức này có thể được nhân rộng để tầm soát các loại bệnh khác.
"Cần có thêm nhiều nghiên cứu chính xác hơn trước khi đưa ra sử dụng", các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết thêm.Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học John Hopkins ở Mỹ cũng thông báo đã phát triển một xét nghiệm máu có thể sàng lọc tám loại ung thư phổ biến. Xét nghiệm này xác định sự hiện diện của protein ung thư và đột biến gen trong các mẫu máu.
Bạn đang xem bài viết Xét nghiệm tìm ra ung thư trong 10 phút tại chuyên mục Chiến thắng Ung thư của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].