Sau khi một chiếc xe tải chở 5 tấn đào bị lật trên đường, ngoài thành phố Đức Châu, Sơn Đông, Trung Quốc, người dân địa phương đã cố gắng lao ra tận dụng mọi cơ hội để "hôi" của.
Cảnh sát địa phương đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và phát hiện ra có hơn 20 người dân địa phương, đa phần là phụ nữ lớn tuổi, đang cố sức nhồi đào rơi trên đường vào túi của họ. Người lái xe nhìn mọi việc bằng ánh mắt bất lực vì anh đã bị thương nặng trong vụ tai nạn.
Khi cảnh sát cố gắng thuyết phục mọi người đừng lấy đồ, một người phụ nữ còn giận dữ hỏi ngược lại: "Tôi có vi phạm pháp luật không? Liệu anh sẽ bắt giữ tất cả chúng tôi sao?"
Thay vì giúp đỡ người bị nạn cũng như xem xét lái xe có gặp vấn đề tai nạn gì, có cần đưa đến bệnh viện không, những người dân này chỉ quan tâm tới lợi ích của cá nhân mình.
Clip đăng tải đã gây ra bất bình trong cộng đồng mạng về sự lạnh lùng của người dân với người bị nạn.
Những trường hợp tương tự từng xảy ra ở Trung Quốc. Mỗi lần có xe hàng nào đó từ cam, dưa hấu, lê, cua sống, sữa chua, gà, bột lưu huỳnh... người dân địa phương đều vội vàng ra "hôi" của, nhặt được càng nhiều càng tốt.
Có những người đồng tình với phương án này biện hộ rằng dù sao các sản phẩm cũng bị hỏng từ vụ tai nạn, để người dân gom lại ít ra còn đỡ lãng phí. Những người phản đối lại cho rằng việc này không khác gì cướp bóc đáng xấu hổ.
Một câu chuyện đáng buồn từng xảy ra vào năm 2016, một tài xế xe tải cố gắng hết sức để cứu lấy cam của mình bị "hôi" của ở Giang Tây, Trung Quốc. Anh đã bị tấn công đánh đạp bởi chính những người dân địa phương cho đến khi cảnh sát xuất hiện.
Tại Việt Nam cũng đã có những câu chuyện đáng buồn tương tự, như vụ "hôi" bia tại Biên Hòa, hôi dầu trên đường Đồng Nai đi Thành phố Hồ Chí Minh. Những hình ảnh không đẹp ấy đã khiến hình ảnh người Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè thế giới.
Đức Anh/GIADINHMOI.VN
Bạn đang xem bài viết Xe tải chở đào lật, người dân tranh nhau ra 'hôi của' mặc tài xế bị thương nặng tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].