Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam

Bài viết của GS.TS. HỒ SĨ QUÝ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

“Hệ giá trị” không hẳn là khái niệm độc lập, mà là cách gọi nhằm để chỉ một tập hợp của những giá trị của một cộng đồng nhất định. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị cốt lõi, năm 2014, việc xây dựng và hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam đã được đặt ra tại Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này, rất nhiều vấn đề bức xúc về con người và văn hóa đã bộc lộ ra. Ngày 4/6/2020 Bộ Chính trị đã ra kết luận đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết này. Kết luận chỉ rõ, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, bên cạnh những thành tựu đáng kể đã đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó, “Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại.

Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác”.

Empty

Đây cũng chính là lý do khiến vấn đề xây dựng hệ giá trị, một lần nữa được đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội viết: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới…

Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.

Bảng giá trị thực tế của xã hội Việt Nam hôm nay

Đất nước ta đang hội nhập sâu và phát triển tương đối nhanh, kể cả trong khủng hoảng tài chính trước đây và trong đại dịch Covid-19 hiện nay. Nền kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng được nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng thế giới đánh giá cao. Với những tiến bộ khó phủ nhận, uy tín quốc tế của Việt Nam trên thực tế ngày càng rộng mở.

Nhưng nhìn từ một phía khác, bức tranh giá trị của xã hội Việt Nam lại có nhiều mảng tối rất đáng quan ngại. Đạo đức của một bộ phận người dân xuống cấp, giá trị lệch lạc, niềm tin suy giảm... là những vấn đề như vậy.

Sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một quốc gia nghèo đói, chậm phát triển, Việt Nam đã trở thành một nước có GDP trung bình, có thành tích xóa đói, giảm nghèo ấn tượng: Từ hơn 50% vào giữa những năm 1990 xuống chỉ còn hơn 5% vào năm 2004.

Việt Nam là một trong số ít nước có tiến bộ rõ rệt và liên tục về chỉ số phát triển con người kể từ khi Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) công bố chỉ số HDI năm 1990 đến nay. Xu hướng chỉ số phát triển con người cao hơn chỉ số kinh tế vẫn được giữ vững suốt 20 năm qua. Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam được xếp hạng trong số 52 nước có Chỉ số phát triển con người cao.

Về phương diện văn hóa, sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã nhanh chóng hòa vào dòng chảy chung của văn hóa - văn minh nhân loại. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã được công nhận là di sản thế giới, di sản ký ức thế giới.

Các loại hình của văn hóa Việt Nam ngày càng gần với các chuẩn mực quốc tế, được cộng đồng thế giới biết đến và đánh giá tích cực. Và, đời sống văn hóa của đại đa số cư dân đều có những chuyển biến theo chiều tốt lên, kể cả những người ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ rất đáng kể ấy, bảng giá trị thực tế của xã hội Việt Nam hôm nay cũng lộ ra một số mảng tối.

Về phát triển con người, Việt Nam được đánh giá là có tiến bộ rõ rệt và liên tục suốt 20 năm qua nhưng những hiện tượng bức xúc thuộc vấn đề con người cũng được coi là đang ở mức độ khá nghiêm trọng. Tình trạng tha hóa, suy giảm về đạo đức, xuống cấp về văn hóa... đã được xã hội lên tiếng từ nhiều năm qua. Có những trường hợp là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước vi phạm pháp luật.

Empty

Trong bảng giá trị cộng đồng, hiện tượng lệch lạc về giá trị đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng những năm gần đây, hiện tượng này ngày một nhức nhối hơn. Hiện nay, vị trí của danh và thực, của lao động và sự giàu có, của địa vị và tài năng, của tiền bạc và tình người, của thói phô trương và đức khiêm tốn, của sự vô cảm và lòng vị tha, v.v... đã lệch lạc đến mức đáng ngại.

Trong tâm thức cộng đồng, vị trí của một số giá trị đã (vô tình) bị xếp sai, cả trong đời sống thường nhật và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều danh hiệu được tôn vinh rất xa thực tế; không ít danh hão vẫn được “háo danh”. Giàu có được sùng bái, nhưng lao động, kể cả lao động làm nên sự giàu có lại bị xem nhẹ hoặc rất ít được đánh giá đúng mức.

Địa vị được tôn trọng, kể cả địa vị không xứng đáng, nhưng tài năng gắn liền với địa vị thì chưa được tôn vinh xứng đáng. Được coi là dân tộc trọng tình nghĩa, nhưng thói vô cảm lại đang có dấu hiệu phổ biến; lòng vị tha, đức khoan dung ngày càng trở nên hiếm hơn.

Vấn đề là ở chỗ, thói vụ lợi và thực dụng qua sự kích thích của mặt trái kinh tế thị trường đã làm cho không ít người lầm tưởng rằng “tiền bạc” và “quan lộc” là giá trị đỉnh cao của đời sống; danh vọng, công lý và uy tín là có thể mua được. Một khi bảng giá trị cộng đồng bị lệch lạc thì dĩ nhiên, một số giá trị sẽ bị truất khỏi vị trí thực của nó trong hệ thống giá trị; những giá trị ảo, phi giá trị, vô giá trị, thậm chí phản giá trị sẽ thế chỗ hoặc lên ngôi.

Empty

“Lao động”, “trung thực” và “chân thiện” nếu vô tình bị “tiền bạc” và “quan lộc” trám chỗ, định hướng giá trị sẽ khó tránh khỏi kém tác dụng, “nhầm đường” hoặc mất phương hướng. Vấn đề tất nhiên là do suy thoái phẩm chất làm người. Tuy vậy, nhìn xa hơn, thì còn là ở chỗ, thể chế, cơ chế xã hội vẫn đang tồn tại tình trạng với hầu hết các công việc, lao động chưa được đánh giá và trả thù lao tương xứng, đặc biệt ở khu vực nhà nước.

Một hiện tượng xã hội khác có thể là hệ lụy của những vấn đề nói trên, là niềm tin của người dân vào Đảng, vào chế độ, vào tương lai của đất nước đang có dấu hiệu phần nào bị suy giảm. Hiện tượng này đã được báo chí và dư luận xã hội lên tiếng báo động.

Trong khi những giá trị lý tưởng, những giá trị kỳ vọng được nồng nhiệt đề cao, được tôn vinh nhằm định hướng tư tưởng và hành vi con người, chưa đạt được kết quả như mong muốn, thì ngược lại, các giá trị ngầm định của bản thân đời sống xã hội lại âm thầm thể hiện sức mạnh của nó.

Dòng chảy bản năng mãnh liệt của đời sống xã hội, nếu không được các thiết chế pháp lý đủ mạnh và nghiêm minh tạo hành lang đủ thông thoáng để vận động, thì sẽ luồn lách qua mọi kẽ hở để thỏa mãn nhu cầu chính đáng và cả không chính đáng của con người. Cái xấu, cái ác, cái bất hợp lý… trong những trường hợp như vậy đôi khi không kiểm soát được.

Rất mừng là với những kết quả rõ rệt thể hiện thái độ kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc chống tham nhũng, chống xuống cấp đạo đức xã hội…, bầu không khí xã hội đã chuyển biến tích cực làm cho niềm tin của nhân dân đã được khôi phục một phần.

Thành công của công cuộc chống tham nhũng cùng với những thành tựu kinh tế-xã hội khác, cho phép hy vọng, với một cơ thể đang phát triển tương đối mạnh như Việt Nam, những vấn đề bức xúc, gay cấn và nan giải về phương diện giá trị như đã nêu ở trên, dù có nghiêm trọng đến mấy, cũng không cản trở được sự phát triển bình thường của xã hội.

Thậm chí, nếu nhìn từ một góc độ khác, việc xử lý những ung nhọt còn là cơ hội để xã hội Việt Nam giải quyết triệt để các mâu thuẫn trong lòng nó, để rồi đạt tới những giá trị cao hơn, tốt đẹp hơn.

Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam gắn liền với hệ giá trị văn học, nghệ thuật

Với văn nghệ sĩ, người nắm vũ khí sáng tạo ra văn học, nghệ thuật, người có trách nhiệm tiên phong đánh thức và gợi mở cho xã hội hình dung con đường đi về tương lai, trước hết phải là người phản ánh trung thực đời sống văn hóa, xã hội; không nên tìm lý do để quay lưng lại với những số phận con người - từ người lao động mất việc làm do dịch bệnh đến những chiến sĩ, bác sĩ, người hảo tâm... xả thân vì cộng đồng, chống lại kẻ thù vô hình và hữu hình; từ những người cố tình hay không may bị vướng vòng lao lý vì tham nhũng, biến chất đến những người dám chết để làm điều tử tế; từ những vị tướng, những nhà lãnh đạo dám hy sinh quyền lợi cá nhân, rũ bỏ những tư duy cứng nhắc giáo điều đến những người lính âm thầm nơi biên cương, hải đảo giữ bình yên cho Tổ quốc…

Empty

 Xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam là nhiệm vụ không tách rời với xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật - một lĩnh vực được coi là tinh tế và là công cụ quan trọng để truyền đạt, cảm hóa, lan tỏa và làm sâu sắc những giá trị văn hóa của đất nước, dân tộc và con người.

Về thực chất, đó là sự tìm kiếm một định hướng sáng suốt để văn học, nghệ thuật nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và cho bản thân nghệ thuật.

Với yêu cầu như vậy, hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam, một mặt cần bao gồm trong nó những giá trị phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động của văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Nhưng mặt khác, hệ giá trị văn học, nghệ thuật cũng không được phép lảng tránh trách nhiệm tạo hành lang cởi mở cho sự phản ánh các giá trị đích thực của xã hội hôm nay và của đời sống văn nghệ hiện nay - các giá trị ngầm định, đang âm thầm và mãnh liệt chảy trong đời sống xã hội.

Nói cách khác, hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam không thể là cái cản trở văn nghệ sĩ phản ánh chân thực đời sống xã hội. Các thế hệ mai sau, khi tiếp nhận tác phẩm văn học nghệ thuật hôm nay, sẽ có căn cứ để hình dung không sai lệch về một xã hội với những con người có số phận thực, với những cộng đồng có vui buồn thực và với đất nước có những lo toan thực, chứ không chỉ lạnh lùng, cứng nhắc như những báo cáo kinh tế-xã hội.

Sứ mệnh tự nhiên và bình thường của văn nghệ sĩ khiến họ thường là những người đi đầu giương cao ngọn đuốc giá trị soi cho cộng đồng đi theo. Bởi vậy, sẽ chẳng mấy ý nghĩa, thậm chí sẽ trở thành lạc lõng, nếu chẳng may người sáng tạo không thấu hiểu được hay không linh cảm được, bảng giá trị đích thực của xã hội hôm nay và của đời sống văn nghệ hiện nay như thế nào.

Một yêu cầu khác, có tính chất sống còn đối với văn học, nghệ thuật khi xác định hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam giai đoạn hiện nay là, hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam không thể đứng ngoài trách nhiệm tạo điều kiện để văn nghệ sĩ có được những tác phẩm hay, có giá trị, trường tồn với thời gian.

Bởi lẽ, văn học, nghệ thuật còn lại với thời gian chỉ là tác phẩm và tác giả. Nếu một nền văn nghệ thiếu vắng những tác phẩm đáng giá, không có được những tác giả đáng để cho đời sau ngưỡng mộ, thì nền văn nghệ đó không thể nói là đã làm tròn sứ mệnh của mình. Bản thân đời sống xã hội sẽ rất tự nhiên giữ lại cho xã hội những tác phẩm hay, phản ánh được hiện thực cùng với những văn nghệ sĩ tài ba, yêu nhân dân, yêu Tổ quốc và yêu Nghệ thuật.

GS.TS. HỒ SĨ QUÝ

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính