Nhận lời mời của Chương trình chống Lao Quốc gia, từ ngày 23-27/7/2018, Đoàn Đại biểu của Chương trình chống Lao Toàn cầu do Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình dẫn đầu, đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc với các đại biểu của Chương trình chống lao Quốc gia ngày 27/7, Đoàn đại biểu của Chương trình chống Lao toàn cầu do Giám đốc chương trình, TS Tereza Kasaeva dẫn đầu đã lắng nghe chia sẻ về về các hoạt động, thành tựu của Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam cũng như cách thức triển khai hoạt động quản lý Lao kháng đa thuốc, phác đồ điều trị mới và các cách thức triển khai, tiếp cận cũng như công cụ mới để kết thúc bệnh Lao tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là năm lịch sử trong cuộc chiến chống lại bệnh Lao vì chúng ta đang hướng đến cuộc họp cấp cao lần đầu tiên của Liên hợp quốc về vấn đề bệnh Lao sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới.
Cuộc họp cấp cao này của Liên Hợp Quốc sẽ được xây dựng dựa trên cam kết của các Bộ trưởng và các nhà lãnh đạo đến từ 120 quốc gia cùng hơn 800 đối tác, bao gồm cả các tổ chức xã hội họp tại tại Moscow hồi tháng 11 năm ngoái nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh Lao.
WHO đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu của WHO về kết thúc bệnh Lao và thông qua Tuyên bố Moscow để chấm dứt bệnh lao.
Sự hiện diện của đoàn cấp Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã góp phần rất quan trọng cho sự thành công của Hội nghị cũng như Tuyên bố về đẩy nhanh tiến độ Kết thúc bệnh Lao toàn cầu.
WHO đề nghị Việt Nam đi tiên phong trong những nỗ lực chấm dứt bệnh Lao bằng việc đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo cấp quốc gia trong cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh Lao sẽ diễn ra ngày 26/9 sắp tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh Lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh Lao cao hàng đầu trong khu vực.
Năm 2017, Việt Nam có thêm 126.000 người mắc lao và có 13.000 người chết do Lao. Trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao cao, Việt Nam xếp thứ 16 đối với tất cả bệnh Lao, xếp thứ 13 về Lao kháng thuốc.
WHO cho rằng, việc chuyển biến từ cam kết đến hành động ở Việt Nam sẽ không chỉ làm giảm chết cũng như đau đớn vì bệnh Lao của Việt Nam mà còn mang lại lợi ích như một quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.
Ngoài ra, WHO mong muốn Việt Nam trở thành nước tiên phong trong việc thiết lập một mạng lưới nghiên cứu Lao của khu vực tới đây.
Hiện tại, Việt Nam đang đi đầu trong những nỗ lực kết thúc bệnh Lao và đây là dịp để thế giới thấy được những thành công và bài học kinh nghiệm của Việt Nam.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết WHO mong muốn Việt Nam tiên phong thiết lập mạng lưới nghiên cứu bệnh Lao tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].