Theo báo cáo mới đây của hai tổ chức hàng đầu thế giới là WHO và UNICEF công bố vào cuối tháng 7 năm 2018, Việt Nam là một trong số các quốc gia có cải thiện đáng kể trong việc cho con bú bằng sữa mẹ.
Trước đó, tỷ lệ trẻ sơ sinh ở Việt Nam được bú mẹ đã giảm mạnh trong giai đoạn 2005 - 2013. Năm 2006, tỷ lệ này đạt 44% nhưng đã giảm xuống chỉ còn 27% trong năm 2013.
Nhận thấy đây là một tình trạng đáng báo động, Bộ Y tế đã quyết định tiến hành các nỗ lực kêu gọi nhằm cải thiện tình hình kể từ năm 2014. Trong đó có việc phối hợp với tổ chức WHO và UNICEF ban hành và thực hiện Hướng dẫn Quốc gia về chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau sinh; Tiêu chí Chất lượng Bệnh viện về việc thực hành cho trẻ bú mẹ sớm ngay sau khi sinh.
Không chỉ cho trẻ sau sinh tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ, trẻ còn được bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ ngay sau khi chào đời. Các nhân viên y tế ở tất cả các cơ sở y tế trên khắp đất nước đều được tập huấn và hướng dẫn nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy trình này.
Sau khi tiến hành, việc cho trẻ bú sữa mẹ 1 giờ sau sinh đã đạt được những tiến bộ vượt bậc. Theo Báo cáo đánh giá công tác chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu của khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2016 - 2017, tính riêng ở Việt Nam, có 73% trẻ được bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh.
Những thành tựu này đã được WHO và UNICEF ghi nhận và công bố trong Hội nghị khu vực về đẩy nhanh các tiến bộ trong chăm sóc trẻ sơ sinh được tổ chức vào tháng 8 năm 2017.
Với tỷ lệ 73%, WHO đánh giá Việt Nam "rất thành công" trong quá trình kêu gọi các bà mẹ cho con bú sớm.
Trên thế giới ước tính cứ 5 trẻ sinh ra thì chỉ có 3 trẻ được bú sữa mẹ trong vòng 1 giờ sau sinh. Hầu hết các trẻ này ra đời ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Theo nghiên cứu, trẻ nhỏ không được cho bú sớm dễ mắc bệnh và đe dọa đến tính mạng của trẻ. Những trẻ được bú trong giờ đầu tiên sau sinh có nhiều khả năng sống sót hơn hẳn.
Thậm chí ngay cả khi cho con bú chậm trễ vài giờ sau sinh cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khi tiếp xúc da kề da đồng thời được con bú, người mẹ sẽ tiết ra sữa non, còn được gọi là "liều vắc-xin đầu tiên" của trẻ nhỏ, chứa rất nhiều dinh dưỡng và kháng thể.
Theo Wikipedia, Tổ chức Y tế Thế giới viết tắt WHO (World Health Organization) là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế.
WHO tham gia giúp đỡ các quốc gia thành viên, cung cấp những thông tin chính xác, những địa chỉ đáng tin cậy trên lĩnh vực sức khỏe con người. WHO sẽ đứng ra để giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh của con người.
Kim OanhBạn đang xem bài viết WHO khen ngợi Việt Nam vì có 73% trẻ em được bú mẹ 1 giờ ngay sau sinh tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].