Ngày 12/8, trên một số phương tiện truyền thông đại chúng lan truyền thông tin về việc nhiều người dân ở xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) nghi nhiễm HIV do dùng chung bơm kim tiêm khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ.
Vậy xử trí thế nào khi nghi vấn bị phơi nhiễm HIV?
Những cách xử trí khi nghi vấn phơi nhiễm HIV
Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khi bị phơi nhiễm với HIV, những người có nguy cơ cần bình tĩnh xứ lý ngay như sau:
- Xử lý vết thương tại chỗ: Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.
Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần.
- Đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần. Hiện nay tất cả các trường hợp điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV trong môi trường nghề nghiệp đều được nhà nước đảm bảo miễn phí.
Thế nào là phơi nhiễm với HIV?
TS.BS Hoàng Đình Cảnh cho biết, phơi nhiễm với HIV được xác định là khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Hiện nay, Bộ Y tế chia ra 2 loại phơi nhiễm HIV là phơi nhiễm HIV trong môi trường nghề nghiệp tức là phơi nhiễm HIV trong quá trình tác nghiệp mà cụ thể như cán bộ y tế bị kim tiêm hay kim khâu có dính máu của người nhiễm HIV đâm vào hay công an trấn áp tội phạm.
Loại thứ hai là phơi nhiễm HIV ngoài môi trường nghề nghiệp tức là bị phơi nhiễm HIV không do nghề nghiệp như quan hệ tình dục do không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ, rách hoặc bị cưỡng dâm; Sử dụng chung bơm kim tiêm đối với người nghiện chích ma tuý…
Thực ra về bản chất cả hai loại đều là có tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các dịch cơ thể của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên phân chia 2 loại để phục vụ cho việc thực hiện các chính sách xã hội.
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ nghi vấn nhiễm HIV ở Phú Thọ, Cục Phòng chống HIV/ AIDS – Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đề nghị xác minh, sớm báo cáo về Bộ, trong trường hợp có sai phạm phải xử lý nghiêm. Đồng thời, ngay trong sáng nay, 13/8, Bộ Y tế đã cử đoàn cán bộ về địa phương để phối hợp cùng cơ quan chức năng điều tra dịch tễ và hỗ trợ người dân.
Trước đó, theo phản ánh từ người dân địa phương, cách đây hơn 1 tháng có 1 bệnh nhân trú tại khu Chiềng 3, xã Tân Sơn bị phát hiện nhiễm HIV. Người này cho biết chưa từng đến cơ sở y tế nào để thăm khám mà chỉ tiêm và điều trị tại nhà một bác sĩ trong xã. Sau đó có thêm một số người nhân cũng nghi ngờ mắc bệnh. Điều này dấy lên nghi ngờ có thể vị bác sĩ này đã sử dụng bơm kim tiêm từng tiêm cho người nhiễm HIV sau đó không thay mà dùng tiếp để tiêm cho nhiều bệnh nhân khác…
L.MinhBạn đang xem bài viết Vụ nghi nhiễm HIV ở Phú Thọ: Cần làm gì khi nghi ngờ bị phơi nhiễm? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].