Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy ở Lào, theo thông tin mới nhất đến trưa 25/7/2018, số thi thể được tìm thấy đã tăng lên 19 người. Hiện đang có ít nhất khoảng 3.000 người vẫn đang mắc kẹt giữa biển nước, họ trèo lên cây hay đứng trên mái nhà, chờ đợi được cứu hộ.
Các đội cứu hộ vẫn đang tiếp cận những khu vực bị nạn bằng thuyền. Các cơ quan chức năng của địa phương cho biết đã có 2.851 người đã được giải cứu thành công.
Tuy nhiên, ở những vùng hẻo lánh rất khó di chuyển, công tác cứu hộ sau vụ vỡ đập thủy điện ở Lào còn gặp nhiều trở ngại trong việc đưa đồ tiếp tế và dược phẩm đến cho hàng ngàn hộ dân đang bị cô lập. Tỉnh trưởng Bounhom Phommasane chia sẻ trên tờ Vientiane Times rằng vẫn còn khoảng 3.000 người dân đang cần được cứu.
Sau khi phát hiện hư hại ở con đập, cơ quan chức năng đã thông báo cho người dân quanh vùng di tản. Tuy nhiên, do mưa to liên tiếp, con đập bất ngỡ đã bị vỡ nhấn chìm khoảng 6.600 hộ dân.
Đến nay, 7 trong số 12 ngôi làng dưới chân con đập đã bị cô lập hoàn toàn bởi biển nước mênh mông, mực nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Những người dân được giải cứu sau đó tập trung ở các làng lân cận, các cơ quan chức năng và nhiều nhà hảo tâm đã cung cấp thức ăn, nước uống và quần áo cho họ.
Công ty Cơ khí và Xây dựng SK của Hàn Quốc tham gia xây dựng con đập đã cử một nhóm xử lý khủng hoảng tới hiện trường cùng với trực thăng, tàu và nhân viên cứu hộ.
Trước đó, vụ vỡ đập thủy điện ở Lào xảy ra lúc 20h ngày 23/7/2018, đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu bị vỡ nhấn chìm nhiều khu vực trong biển nước, cuốn theo một số ngôi nhà ở phía nam huyện Sanamxay. Vụ vỡ đập gây ngập úng ở 6 làng thuộc huyện này là Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, và Samong.
Được biết đập Xe Pian-Xe Nam Noy là dự án hợp tác giữa Lào, Thái Lan và Hàn Quốc trị giá 1,2 tỷ USD, con đập đã hoàn thành 90%, chuẩn bị hoạt động vào năm 2019.
Kim OanhBạn đang xem bài viết Vỡ đập thủy điện ở Lào: Tìm thấy 19 thi thể, vẫn còn hơn 3.000 người cần được giải cứu tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].