Virus Marburg là gì?
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai, virus Marburg cùng họ với virus Ebola, có cấu trúc ARN, là một virus có ổ chứa tự nhiên là một loài dơi ăn quả ở châu Phi là Rousettus aegyptiacus.
Tên của virus được lấy từ phòng thí nghiệm Marburg nước Đức - nơi phát hiện ra loại virus này vào năm 1967. Virus Marburg gây bệnh lẻ tẻ tại các nước cận Sahara như Uganda, Guinea Xích đạo, Congo, Angola… với tỉ lệ tử vong cao có thể từ 30 - 90%.
PGS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, virus Marburg thường lây qua đường tiếp xúc, có thể lây qua đường hô hấp cụ thể là giọt bắn khi tiếp xúc rất gần. Con đường lây truyền virus Marburg chủ yếu gồm:
- Con người hít phải chất tiết hoặc nước tiểu của loài dơi ăn quả sẽ bị nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người.
- Virus Marburg lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, dịch cơ thể, đường máu, nước tiểu, nước bọt, mồ hôi, các chất tiết nôn, sữa, dịch ối, tinh dịch…
- Ngoài ra khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm virus thì có thể lây sang người. Virus Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh.
Những triệu chứng khi nhiễm virus Marburg
Theo bác sĩ Cường, bệnh do virus Marburg gây ra rất khó chẩn đoán lâm sàng, biểu hiện lâm sàng rất dễ nhầm với các bệnh lưu hành tại vùng đó. Ví dụ như ở Châu Phi hay gặp Ebola, sốt vàng, thương hàn, sốt xuất huyết…
Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày. Khởi phát bệnh nhân có thể xuất hiện các biểu hiện như: Sốt đột ngột, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau người. Ngày thứ 5 có thể xuất hiện phát ban, cảm giác rát trên thân mình.
Ngoài ra còn kèm theo buồn nôn, đau ngực, đau bụng, đau họng, tiêu chảy, vàng mắt, có biểu hiện xuất huyết, mê sảng đi vào sốc và dẫn đến suy gan, suy đa tạng, rối loạn đông máu và có thể gây tử vong.
Để chẩn đoán xác định ca bệnh nhiễm virus Marburg cần sử dụng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm như ELISA và PCR. Đối với các bệnh nhân tử vong có thể lấy máu hoặc các mẫu sinh thiết tại các tổ chức của cơ thể để làm nhuộm hóa mô miễn dịch hoặc nuôi cây để phát hiện ra virus.
Hiện nay chưa có vaccine hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Người mắc bệnh do virus Maruburg sẽ phải cách ly nghiêm ngặt và phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ như bù nước điện giải, chống xuất huyết, truyền máu, nếu có biểu hiện nặng thì cần thở oxy, hồi sức chống suy đa tạng… Cho dù áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Cách phòng ngừa virus Marburg
Bệnh do virus Marburg chưa có vắc-xin phòng bệnh nên người dân cần phòng bệnh bằng các phương pháp không đặc hiệu như:
- Hạn chế đến các vùng có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Tránh tiếp xúc với các loài dơi ăn quả cũng như với người nghi ngờ mắc bệnh.
- Nếu tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì cần mang bảo hộ lao động (găng tay, khẩu trang, dung dịch sát trùng, khử khuẩn…).
Virus Marburg có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam không?
Theo PGS Cường, tại Việt Nam chưa xuất hiện ca bệnh do virus Marburg, chúng ta cần thận trọng nhưng không cần quá hoang mang lo ngại vì từ trước đến nay bệnh mới chỉ xuất hiện lẻ tẻ và liên quan đến ở Châu Phi chứ chưa lan sang các lục địa khác.
Hơn nữa, các bệnh dịch nguy hiểm thường lây qua đường hô hấp vì virus sẽ phát tán nhanh. Còn virus Marburg chỉ có thể lây khi tiếp xúc gần và gây bệnh mang tính đặc thù theo vùng. Đây là một bệnh gây dịch nguy hiểm nhưng hiện tại chưa đủ yếu tố để lan ra toàn cầu cũng như đến Việt Nam.
Người dân cần nâng cao cảnh giác, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh để có những biện pháp bảo vệ bản thân thì sẽ hạn chế được nguy cơ mắc bệnh
An AnBạn đang xem bài viết Virus Marburg nguy hiểm thế nào, có nguy cơ xâm nhập Việt Nam hay không? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].