Thông tin từ Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về yêu cầu cứu hộ công dân Việt Nam ở Guinea Xích Đạo (Châu Phi) về nước, trên tinh thần làm hết sức mình để bảo hộ công dân, Bộ Y tế đang chuẩn bị các khâu để khởi hành sang Guinea Xích đạo đón 219 công dân Việt Nam đang làm công nhân xây dựng tại đây về nước.
Trong số 219 công nhân này, có 120 người gồm công nhân và quản lý mắc COVID-19.
Trong số này có 22 người đang được theo dõi tại 2 bệnh viện, 80 người theo dõi tại khu cách ly và khách sạn, 15 người còn lại vẫn đang xác minh vị trí.
Về tình hình sức khỏe của bệnh nhân, có 47 người (38,5%) có tức ngực, 33 người (28%) có ho, đau họng, 16 người đau đầu, 13 người sốt.
Trong số 120 bệnh nhân có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản.
Ngoài 120 bệnh nhân COVID-19, còn 7 người phải nhập viện để theo dõi bệnh khác, 3 người bị sốt rét, 1 người trong đó vừa sốt rét vừa COVID-19.
Hiện Bộ Y tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, 3 công ty chủ quản của 219 công nhân và quản lý này đang phối hợp để sớm đưa công dân về nước.
Do thủ tục đăng ký chuyến bay phức tạp nên ngày 3/8 tới máy bay mới khởi hành đi đón bệnh nhân, cùng đoàn sẽ có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương.
Bộ Y tế cũng cho biết, đã chuẩn bị êkip y tế là nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu lên đường cùng chuyến bay sang Guinea xích đạo đón 219 công dân về nước.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, đã sẵn sàng cử nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu chuẩn bị lên đường sang Guinea đón công dân về nước.
Tính đến chiều 18/7, Việt Nam có 93 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Hiện có 383 bệnh nhân nhiễm COVID-19.
V.LinhBạn đang xem bài viết Sắp đón 120 công nhân Việt Nam nhiễm COVID-19 ở Châu Phi về nước tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].