Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng gây viêm các phế nang và mô kẽ ở một hoặc cả hai phổi. Các phế nang có thể chứa dịch hoặc mủ, gây ho khạc đờm hoặc mủ, sốt, ớn lạnh và khó thở. Các vi sinh vật có thể gây viêm phổi rất đa dạng, bao gồm vi khuẩn, vi rút và nấm.
Viêm phổi có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng đe dọa tính mạng. Đặc biệt, viêm phổi thường nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những người lớn tuổi (hơn 65 tuổi), và những người có các bênh lý mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Những dấu hiệu viêm phổi thường gặp
Triệu chứng viêm phổi có thể xuất hiện từ nhẹ đến nặng và phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh cũng như nguyên nhân gây bệnh. Một số dấu hiệu điển hình đó là:
- Sốt
- Đau ngực khi ho hoặc khi thở
- Ho có đờm
- Khó thở
- Mệt mỏi
- Rùng mình
- Tiêu chảy
- Nôn, buồn nôn
Trẻ sơ sinh thường không xuất hiện những triệu chứng đặc trưng của viêm phổi. Nhưng trẻ nhỏ có thể xuất hiện triệu chứng nằm li bì, bơ phờ, nôn, ho hoặc sốt. Còn người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu có thể xuất hiện ít triệu chứng hơn và không sốt.
Viêm phổi có lây không?
Hầu hết viêm phổi do vi khuẩn có thể có khả năng lây nhưng không cao. Vi khuẩn có thể lây từ người này sang người khác nhưng những người có hệ miễn dịch kém có nguy cơ cao mắc bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, hai loại viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae và Mycobacterium tuberculosis có nguy cơ lây lân cao nhất. Mầm bệnh có thể lây lan trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi.
Viêm phổi mất bao lâu để lây lan?
Theo các chuyên gia, thời gian để các vi khuẩn viêm phổi lây lan là khoảng 2 ngày đến một tuần.
Rất nhiều loại viêm phổi do vi khuẩn thường ít có khả năng lây sau khi bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh trong vòng 24 - 48 giờ.
Còn đối với viêm phổi do vi rút, bệnh sẽ khó lây bệnh cho người khác sau khi các triệu chứng phát triển, đặc biệt là sau khi sốt. Một vài người bị viêm phổi vi rút có thể không có khả năng lây sau khi hết sốt khoảng 1 - 2 ngày, nhưng vẫn có những ngoại lệ.
Làm sao để phòng tránh viêm phổi hiệu quả nhất?
Để phòng tránh viêm phổi, bạn nên thực hiện một số biện pháp sau đây:
- Những người có nguy cơ cao như trẻ em, người già từ 65 tuổi trở lên nên tiêm phòng bệnh viêm phổi.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các đồ vật.
- Không nên tiếp xúc nhiều với những người bị bệnh, đặc biệt đối với người đang mắc bệnh hoặc có hệ miễn dịch yếu. Nếu có, bạn nên đeo khẩu trang y tế.
- Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
- Những người bị viêm phổi nên che miệng, dùng khăn khi hắt hơi để tránh lây lan mầm bệnh cho cộng đồng.
- Chúng ta nên tăng cường hệ miễn dịch để phòng chống bệnh tốt hơn.
(Theo NHS/Medicine Net)
Xem thêm Clip: Thói quen dựa người vào bồn cầu rửa tay khiến trẻ bị thương nặng
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Viêm phổi là gì? Viêm phổi có lây không? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].