Ít nhất 18 người đã thiệt mạng và 187 người bị thương sau khi tàu hỏa Puyuma Express 6432 trật khỏi đường ray ở phía đông bắc Đài Loan chiều ngày 21/10.
Có tổng cộng 366 hành khách trên tàu, xuất phát từ ga Thụ Lâm, Tân Bắc đang trên đường đến Đài Đông thì gặp nạn tại ga Tân Mã, Nghi Lan.
Những hình ảnh tại hiện trường cho thấy 5 trong số 8 toa tàu nằm xô lệch gần đường ray nơi xảy ra tai nạn.
Đây là vụ tai nạn đường sắt thảm khốc và nghiêm trọng nhất tại Đài Loan trong 27 năm qua.
Trong số những người thiệt mạng có ít nhất 3 trẻ em và 8 thành viên của cùng một gia đình vừa đi dự đám cưới trở về.
Ngày 22/10, Cục Quản lý Đường sắt Đài Loan (TRA) đã đăng tải một video ngắn ghi lại vụ tai nạn.
Đoạn video cho thấy, đoàn tàu đi qua khúc cua với tốc độ cao, bị nghiêng sang trái và cuối cùng lật ngang, trượt trên mặt đất và va chạm vào cột điện.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành và TRA vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân của vụ tai nạn, tuy nhiên, có 2 khả năng đang được xem xét là tốc độ đoàn tàu và sự cố thiết bị của tàu.
Tại khúc cua trên đường ray nơi đoàn tàu trật bánh, tốc độ tiêu chuẩn của tàu hỏa theo quy định là 60 - 70 km/h. Trong khi đó tốc độ đoàn tàu Puyuma Express đạt 140 km/h.
Một báo cáo chỉ ra rằng, hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của đoàn tàu đã bị vô hiệu hóa trước chuyến đi do sự cố.
Hệ thống bảo vệ tàu tự động này có tác dụng liên tục kiểm soát tốc độ của tàu không vượt quá tốc độ cho phép. Nếu vượt quá tốc độ, ATP sẽ kích hoạt phanh khẩn cấp.
Nếu không có ATP, đoàn tàu vẫn có thể vận hành với điều kiện người lái tàu phải làm chủ tốc độ.
Người lái tàu của đoàn tàu này đã có 5 năm kinh nghiệm nhưng hiện vẫn không rõ tại sao anh lại tăng vận tốc đoàn tàu gấp đôi tốc độ tiêu chuẩn.
Hiện nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn đang được điều tra.
Theo Shanghaiist
LamBạn đang xem bài viết Video vụ tàu hỏa Đài Loan trật đường ray: 8 người của cùng một gia đình đều thiệt mạng tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].