Vì sao người Việt kiêng ra đường vào ngày mồng 5 Tết?

Người Việt thường kiêng ra đường ngày mồng 5 Tết vì sẽ gặp chuyện xui xẻo ngày đầu năm mới. Vậy có thật mồng 5 bước ra đường sẽ gặp vận xui?

Tết Nguyên đán được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt. Cả năm, người Việt chỉ trông chờ vào ngày Tết để cả gia đình được sum vầy, trò chuyện. Vào ngày này, người ta cũng tiến hành trang trí nhà cửa để đón năm mới nhiều điều may mắn, an lành. 

Đặc biệt, từ xưa, người Việt đã đặt ra khá nhiều điều kiêng kị trong ngày Tết, trong số đó không thể quên câu: "Mùng năm, mười bốn, hăm ba – Đi chơi còn lỗ huống là đi buôn". Theo đó, người Việt quan niệm rằng mùng 5 không nên ra đường, vì sẽ gặp điềm xui xẻo ngày đầu năm.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vậy có thật mùng 5 ra đường sẽ gặp vận xui?

Lí giải điều này, một số ý kiến cho rằng, những ngày mồng 4, 5, 6 là ngày con nước, tức ngày triều cường. Vào những ngày này thường sinh ra những dòng hải lưu bất thường, gây nguy hiểm cho thuyền bè ở vùng vịnh Bắc Bộ. Từ đó, người xưa quan niệm những ngày này thường mang đến điềm xui, nhất là những người đang đi xa.

Bên cạnh đó, dưới góc độ khoa học, con người sẽ chịu tác động mạnh nhất của lực tương hỗ với Mặt Trăng vào những ngày này. Đừng nghĩ ảnh hưởng này không nặng nề nhé. Nguồn năng lượng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm con người mất tự chủ, dễ xảy ra sai lầm trong tính toán, hành động. Trong thực tế, đã có nghiên cứu chứng minh rằng số lượng các vụ tai nạn vào những ngày này tăng cao hơn những ngày khác.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một vài người khác lại cho rằng, quan niệm ra đường vào ngày mồng 5 sẽ gặp vận xui xuất phát từ sách lịch của người Trung Quốc. Theo đó, người Trung Quốc xưa quan niệm, mỗi tháng có 3 ngày kị là 5, 14 và 23, người ta gọi đó là ngày nguyệt kị.

Ngày này là ngày ở Trung cung (ngôi Trung ương ở Hà Đồ) mà Trung cung lại là ngôi vua và lấy số 5 làm biểu hiệu. Đếm từ 1 đến 5 thì số 5 được nhập vào Trung cung, rồi cộng thêm vào số cửu cung (tức là số 9) nữa thì được 14 cũng nhập vào Trung cung, cộng thêm số 9 nữa thì được 23 cũng lại nhập Trung cung nữa. Như vậy là ba lần đều nhập Trung cung (mùng 5, 14, 23).

Ngôi Huỳnh sát là hung sát ở Trung ương (trung cung), mà Thái Tuế (ngôi vua) lại chồng lên ngôi Huỳnh sát, cho nên kẻ dưới phải tránh người trên. Nếu không tránh mà phạm tới bề trên phải gặp hung lai.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một cách giải thích nữa là dựa theo cuốn "Trâu kiết". Vào những ngày kị, theo lời kinh dạy, đã do sắc của vua (Trung Quốc) bôi bỏ rồi nên chẳng phải câu nệ. Trái lại, theo sách "Hiệp kì" của nhà vua, xét thuyết giải trên cho là có lý nên vẫn để ý (tức là không bôi bỏ). Nhưng trong thực tế, những ngày này không phải là ngày xấu. Chúng chỉ là các ngày trong tháng mà nhà vua thường xa giá đi kinh lí hoặc tuần tra khắp hoàng thành. Mỗi tháng nhà vua đi ba lần, mỗi lần cách nhau 9 ngày.

Cũng phải nói một chút về tục lệ của người Trung Quốc xưa, rằng người dân không được phép trông thấy mặt vua. Khi kiệu của vua đi tới đâu, người dân buộc phải đóng cửa ở trong nhà, không được lén nhìn hoặc đi lại ngoài đường. Nếu phạm phải lệnh này, lập tức bị chém đầu.

Vì vậy, dân gian truyền miệng nhau, phải kiêng kỵ ba ngày này để tránh sự xui xẻo gặp lúc vua đi mà gánh lấy tai họa. Rồi lâu ngày thành quen, cùng với sự mê tín nên ba ngày này trở thành ngày xấu phải kiêng kỵ đối với các việc có tính quan trọng (hiếu hỷ, làm ăn, xây nhà, đi xa...). Hủ tục này đã từ Trung Quốc sang nước Việt ta từ thời Bắc thuộc, vua chúa nước ta từ đó áp dụng theo. Niềm tin đó được lưu truyền cho đến ngày nay.

Dù có giải thích theo hướng nào thì ra đường ngày mồng 5 Tết gặp vận xui là quan niệm xưa chỉ nên tham khảo chứ không nhất thiết phải cứng nhắc mà áp dụng theo.

* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo

Mai Hương

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính