Tăng huyết áp (hay còn gọi: cao huyết áp, huyết áp cao) là bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới cũng như Việt Nam.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế Giới, tăng huyết áp ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong cộng đồng hiện có đến 30% người dân bị tăng huyết áp mà không biết là mình bị tăng huyết áp.
Điều đáng nói là tăng huyết áp tiến triển âm thầm trong 15 - 20 năm đầu, người bị tăng huyết áp vẫn sống và làm việc bình thường trong khi bệnh đang huỷ hoại cơ thể dần dần, gây ra cái chết gặm nhấm, cái chết huỷ hoại hoặc cái chết tức tưởi.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, các triệu chứng tăng huyết áp cơ bản là nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt.
Khi có triệu chứng dữ dội hơn như đau vùng tim, giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng… thì thường đã có biến chứng hoặc tình trạng tăng huyết áp đã nặng.
Tăng huyết áp có thể gây ra biến chứng tại tim, não, thận, mắt, mạch máu.
Biến chứng tại tim
Tăng huyết áp lâu ngày làm hư lớp nội mạc gây xơ vữa động mạch và làm hẹp mạch vành gây đau ngực do thiếu máu cơ tim, nặng có thể gây nhồi máu cơ tim.
Suy tim và bệnh mạch vành là hai biến chứng chính và nguyên nhân gây tử vong cao nhất đối với tăng huyết áp.
Dày thất trái là biến chứng sớm do dày cơ tim trái. Để đối phó sức cản ngoại biên nên gia tăng sức co bóp làm công tim tăng lên và vách cơ tim dày ra.
Dần dần suy tim trái và khó thở khi gắng sức, hen tim hoặc phù phổi cấp sau đó chuyển sang suy tim toàn bộ với phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.
Suy mạch vành biểu hiện bằng các cơn đau thắt ngực điển hình hay chỉ có loạn nhịp.
Biến chứng tại não
Tai biến mạch máu não, thường gặp như nhũn não, xuất huyết não, tai biến mạch não thoáng qua với các triệu chứng thần kinh khu trú chỉ kéo dài không quá 24giờ hoặc bệnh não do tăng huyết áp với lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, nôn mửa, nhức đầu dữ dội.
Biến chứng tại não dễ dẫn đến tổn thương không thể phục hồi, thậm chí tử vong cho người bệnh.
Nhất là những trường hợp xuất huyết não, khi huyết áp lên quá cao, mạch máu não không chịu nổi áp lực cao có thể bị vỡ, lúc đó bệnh nhân bị xuất huyết não, gây liệt nửa người, liệt hoàn toàn, nặng thì có thể tử vong.
Biến chứng tại thận
Những biến chứng tại thân bao gồm vữa xơ động mạch thận sớm và nhanh; Xơ thận gây tình trạng suy thận dần dần; Hoại tử dạng tơ huyết tiểu động mạch thận gây tăng huyết áp ác tính.
Ở giai đoạn cuối, thiếu máu cục bộ nặng ở thận sẽ dẫn đến nồng độ Renin và angiotensine II trong máu gây cường aldosterone thứ phát.
Biến chứng tại mắt
Mờ mắt, xuất huyết, xuất tiết và phù gai thị là những biến chứng thường gặp tại mắt do tăng huyết áp.
Những biến chứng tại mắt có thể làm giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Biến chứng tại mạch máu
Tăng huyết áp là yếu tố sinh vữa xơ động mạch, tạo điều kiện cho sự hình thành vữa xơ động mạch.
Tăng huyết áp làm động mạch chủ phình to, có thể bóc tách và vỡ thành động mạch chủ dẫn đến tử vong.
Bênh cạnh đó, tăng huyết áp còn làm hẹp động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch chân. Và khi động mạch chi dưới bị hẹp nhiều làm bệnh nhân bị đau khi đi lại.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Vì sao gọi bệnh tăng huyết áp là 'kẻ giết người thầm lặng'? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].