Ung thư phổi di căn vào xương thường làm cho bệnh nhân cực kì đau đớn và dễ gây gãy xương, mục xương. Bệnh nhân thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn và rất khó điều trị.
BSCKI Nguyễn Đức Hạnh- Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, ung thư phổi di căn vào xương là tình trạng khá phổ biến ở những bệnh nhân mắc ung thư phổi. Khi xuất hiện tình trạng này, bệnh nhân đã bước vào giai đoạn cuối của ung thư phổi nên tiên lượng khá kém.
Khi tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ và lan rộng, có thể di căn vào xương như xương cột sống, xương chậu, xương cánh tay, xương bàn chân… Lúc này bệnh nhân cũng bị tổn thương tiêu xương gây hiện tượng xương dễ gãy, kèm theo có thể bị đau thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa.
Ngoài việc gây ra những triệu chứng khó chịu như đau đớn, nhất là lúc nghỉ ngơi và về ban đêm, ung thư phổi di căn xương còn gây nhiều hệ luỵ xấu đối với sức khoẻ của người bệnh.
Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, di chuyển khó khăn, chân tay suy yếu hoặc thậm chí là gãy xương, gây trở ngại rất nhiều tới các hoạt động thường ngày cũng như làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bên cạnh đó, khi ung thư phổi di căn vào xương còn gây ra nhiều triệu chứng khác như: đau đớn, ngứa ran ở chân, dễ bị gãy xương dù không gặp phải bất kỳ chấn thương nào, calci máu tăng cao dẫn tới tình trạng nhịp tim bất thường, khát nước, buồn nôn...
Ngoài ra, người bệnh khi bị ung thư phổi di căn sang xương thường có những triệu chứng như đau nhức xương khớp nhiều, liên tục (nhiều nhất về đêm), sụt cân đột ngột, khó tiêu, mệt mỏi thường xuyên, táo bón, không tỉnh táo, đau nhức cột sống, vùng cổ, nách, ngực, bẹn, tai xuất hiện hạch dày đặc, cứng…
Bác sĩ Hạnh cũng chỉ rõ, khi di căn sang xương là bệnh đã nặng, việc điều trị sẽ rất khó khăn, chỉ có thể làm giảm triệu chứng cho người bệnh. Các triệu chứng này đều có thể giảm nhẹ hoặc được khắc phục đáng kể nếu bệnh nhân tuân thủ đúng lời khuyên của bác sĩ trong việc hỗ trợ điều trị bệnh ung thư phổi di căn vào xương.
Khi đó, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng những thuốc chống di căn xương, làm chậm quá trình phát triển và lan rộng của tế bào ung thư, các loại thuốc chống viêm, giảm đau và ngăn ngừa nguy cơ gãy xương.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, bệnh nhân ung thư phổi được điều trị giảm nhẹ đau đớn, nâng cao chất lượng cuộc sống để nhằm mục đích kiểm soát và kéo dài cuộc sống. Bệnh nhân ung thư phổi di căn thường đau đớn do những tổn thương di căn gây ra, bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân giảm đau hoặc đề phòng những biến chứng có thể xảy đến với bệnh nhân như gãy xương do di căn xương.
Các biện pháp điều trị thường được áp dụng cụ thể gồm:
- Sử dụng những loại thuốc giảm đau và thuốc chống viêm để kiểm soát cơn đau từ di căn xương.
- Sử dụng biện pháp hoá trị hoặc xạ trị để làm giảm chèn ép tuỷ sống từ di căn xương, ngăn ngừa gãy xương và giảm cơn đau.
- Thực hiện phẫu thuật để ngăn ngừa gãy xương hoặc ổn định xương bị gãy. Đôi khi các bác sĩ cũng sẽ chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư phổi di căn vào xương nếu tuỷ sống đang phải chịu sức ép đáng kể từ các khối u.
- Ngoài ra còn có thể áp dụng các phương pháp như phẫu thuật lạnh, quang động học, laser,... để điều trị ung thư phổi di căn xương.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Vì sao diễn viên Mai Phương bị ung thư phổi mà lại có biểu hiện đau nhức chân đến mức phải điều trị? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].