Vì sao đã có thuốc điều trị nhưng vẫn còn nhiều người chết vì bệnh Lao?

Hiện nay, chiếm tới hơn 50% trong tổng số hàng trăm nghìn người mắc bệnh lao là người nghèo hoặc cận nghèo. Vì thế, bệnh lao thường được mệnh danh "căn bệnh của người nghèo".

Mắc bệnh trong bế tắc

Bé Trần Ngọc Diệu (dân tộc Nùng, sống tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) nhiều năm liền được học sinh giỏi. Cuộc sống em vẫn cứ êm đềm diễn ra trong gia đình thuần nông của một vùng đồi núi. Giờ này một tháng trước, gia đình vẫn vui vẻ khi nhận tin con gái được giấy khen của trường. 

Thế nhưng, các cơn đau đầu xuất hiện, buồn nôn ập đến khiến em khó chịu, đau đớn. Cha mẹ chỉ biết đưa em đến các cơ sở y tế nhưng nằm mãi tại đó, bác sĩ cũng không tìm ra bệnh. Về sau, bố Diệu nhớ ra, nhà có một người bác từng có triệu chứng tương tự và bị bệnh Lao, xuống dưới Bệnh viện Phổi Trung Ương điều trị khỏi nên đã đưa con gái xuống trong muôn sự rối bời, lo sợ.

Bé Trần Ngọc Diệu (dân tộc Nùng, sống tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn)

Bé Trần Ngọc Diệu (dân tộc Nùng, sống tại xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn)

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung Ương, có bé người Nùng học giỏi, chăm ngoan được các bác sĩ chỉ định mắc Lao màng não. Đó là căn bệnh cần chiến đấu dài ngày và với chi phí lớn, tuy nhiên, em không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) vì gia đình không có điều kiện mua. 

Cái khó ập đến, bệnh tật và sự nghèo khó có thể khiến việc học hành của em bị ảnh hưởng. “Hai vợ chồng tôi làm nông, chỉ đếm hạt thóc để ăn chứ không quy ra tiền”, anh Trần Văn Phổ - bố bé Diệu cho biết. Từng bữa cơm, ngày giường, viện phí, thuốc thang… đang ngày ngày làm khó bố con bé Diệu. 

Cũng như bé Diệu, ngồi nép trong căn phòng chữa bệnh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung Ương, hình ảnh một người phụ nữ già ngày ngày chăm sóc đứa con nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo. 

Cũng rơi vào hoàn cảnh tượng tự là em Vũ Văn Nghĩa (14 tuổi, quê Nam Định) cũng đang nằm viện trong sự khốn khó: cái khó của bệnh tật, cái khó của nghèo.

Vũ Văn Nghĩa (14 tuổi, Nam Định) cũng đang nằm viện trong sự khốn khó: cái khó của bệnh tật, cái khó của nghèo.

Vũ Văn Nghĩa (14 tuổi, Nam Định) cũng đang nằm viện trong sự khốn khó: cái khó của bệnh tật, cái khó của nghèo.

Nghĩa là con thứ 2 trong một gia đình ngoại tỉnh di cư lên Hà Nội sinh sống từ những năm 1990. Nhà phải thuê trọ, cha Nghĩa không may mất sớm, mọi gánh nặng tài chính đặt cả lên vai mẹ Nghĩa chỉ làm nghề bán nước. Vì thế, học đến lớp 6, Nghĩa đã phải nghỉ học giữa chừng vì mẹ chẳng còn tiền đóng học. Điều đó, đồng nghĩa với việc, em không có thẻ BHYT.

Mấy tháng trước, Nghĩa có biểu hiện ho nhiều, mệt mỏi. Mãi sau, do mệt quá, mẹ buộc phải đưa em đi khám bệnh. Không ngờ, em được bác sĩ chẩn đoán Lao màng phổi. Để kết thúc bệnh tật, em buộc phải phẫu thuật. Thế nhưng, không có BHYT, Nghĩa sẽ không có sự hỗ trợ những chi phí phẫu thuật, điều trị, thuốc thang. 

“Ai ngờ dậu đổ bìm bịp leo, tôi vừa cho cháu nghỉ học lại biết cháu mắc bệnh này!”, mẹ Nghĩa nghẹn ngào chia sẻ. 

Đây chỉ là 2 trường hợp điển hình trong số trên 20.000 người mắc Lao chưa có thẻ BHYT.  Chưa kể, ngay với người có thẻ BHYT thì với quy định đồng chi trả cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người nghèo và cận nghèo (nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc Lao).

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung Ương, bệnh Lao đã có thuốc điều trị, và phác đồ điều trị bệnh hiện hiệu quả trong khi sự đầu tư đó không hề lớn.

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung Ương

PGS. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung Ương

Song, vì sao số người chết do Lao không hề nhỏ, theo các chuyên gia y tế chủ yếu là ở những người chưa được phát hiện và điều trị theo đúng hướng dẫn của Chương trình chống Lao Quốc gia. Đặc biệt, bệnh có đặc trưng tấn công con người khi cơ thể suy giảm hệ miễn dịch hoặc sống trong điều kiện thiếu thốn, không đảm bảo như: trong các khu chật hẹp như trại giam, phòng trọ hoặc dinh dưỡng kém, sức đề kháng suy giảm, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, đái tháo đường… Đáng chú ý, hiện nay trong tổng số hàng trăm nghìn người mắc bệnh, có quá nửa trong số đó là người nghèo hoặc cận nghèo. Vì thế, bệnh Lao thường được mệnh danh "căn bệnh của người nghèo".

Để không còn những hoàn cảnh khốn khó về bệnh Lao

Do đó, việc hình thành và phát triển Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao sẽ giúp tất cả các bệnh nhân mắc Lao dù nghèo hay không và chưa có thẻ BHYT sẽ được hỗ trợ tối đa điều trị, chi phí ăn, ở, đi lại… cho người bệnh cho đến khi khỏi bệnh. 

"Quỹ là chỗ dựa của các người nghèo, được hỗ trợ tất cả mọi chi phí để người nghèo không lo sợ tiêu tốn tiền bạc chữa bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều đó, sự tồn tại, phát triển của Quỹ hỗ trợ đều cần sự giúp đỡ của cộng đồng”, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ. 

Nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh Lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh Lao và hòa nhập với cộng đồng, từ tháng 5/2018, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống Lao Quốc gia đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400  chính thức phát động chiến dịch nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao và được nhân dân ủng hộ tích cực.

PGS. TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương thay mặt bệnh viện và Quỹ trao thẻ BHYT cho các em nhỏ

PGS. TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương thay mặt bệnh viện và Quỹ trao thẻ BHYT cho các em nhỏ

Quay trở lại với câu chuyện hoàn cảnh của bệnh nhi Nghĩa và Diệu, các bệnh nhân đã được cán bộ nhân viên Bệnh viện Phổi Trung Ương hỗ trợ điều kiện tốt nhất về khám, chữa bệnh. Trong quãng thời gian nằm viện, bố con Diệu, mẹ con Nghĩa đều được hỗ trợ tiền ăn 3 bữa mỗi ngày và toàn bộ chi phí nằm viện nội trú trong thời gian được chờ sử dụng thẻ BHYT theo quy định. Đặc biệt, nhờ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao, cả 2 em đều được mua thẻ BHYT năm 2018.

Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, hiện nay, Việt Nam có đến hàng trăm nghìn người mắc bệnh Lao, không ít trong số đó có trẻ em. "Mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do Lao so với năm 2000 nhưng Việt Nam vẫn còn là nước có gánh nặng bệnh Lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân Lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân Lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Vì thế, cần lắm sự chung tay của cộng đồng trong việc đẩy lùi căn bệnh này cũng như trợ giúp cho những người nghèo không may gặp phải căn bệnh này.

Để ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao, bạn chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp sau:

  - Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn). 

- Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 01/5/2018 đến 24h00 ngày 29/6/2018.

 Ngoài ra, các tổ chức/ cá nhân có thể tài trợ cho Quỹ trực tiếp hoặc chuyển khoản theo thông tin:

 - Đơn vị: Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh Lao.

 - Số tài khoản: 160 10 00 028869 9.

 - Tại: Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Sở Giao dịch 3.

PGS. TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương thay mặt bệnh viện và Quỹ trao thẻ BHYT cho các em nhỏ

PGS. TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung Ương thay mặt bệnh viện và Quỹ trao thẻ BHYT cho các em nhỏ

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính