Xem bài viết "Bệnh nhân xếp hàng dài khám bệnh: Quá tải đến từng ghế đá, hành lang"
Bệnh viện thông minh
Trước thực trạng lãng phí quỹ thời gian của người dân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng bệnh viện cần tăng cường điện thoại hẹn người bệnh đến khám theo giờ. Đồng thời quản lý thông tin về người bệnh bằng thẻ điện tử, phát triển mô hình bệnh viện thông minh.
Trên thực tế, rất nhiều bệnh viện áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, mở rộng nhiều giải pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện cũng như rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó giám đốc - Trưởng Khoa khám BV Bạch Mai cho biết: “Bệnh viện liên tục có nhiều giải pháp tích cực, như hàng ngày mở cửa đón bệnh nhân từ 5 giờ sáng, dựng nhiều ki ốt để bệnh nhân đến tự đăng ký khám bệnh chỉ trong 3- 5 phút, hoặc giúp người bệnh, nhất là những người mắc bệnh mạn tính, bệnh nhân tái khám có thể đăng ký khám qua website, điện thoại….
Nhờ đó bản giảm được tối đa thời gian tiếp đón, giảm thời gian nộp tiền, giảm thời gian lấy kết quả xét nghiệm, giảm thời gian lấy thuốc”.
Ông Hiền cho biết thêm, với ứng dụng bệnh viện thông minh, bệnh nhân khi đến BV Bạch Mai chỉ mất 1 phút 40 giây đăng ký và chờ khám.
Thủ tục đơn giản, bệnh nhân đăng kí khám tự động qua một máy chuyên dụng và được phép chọn bác sĩ khám. Sau đó, họ nhận được số thứ tự, được báo khi sắp đến lịch khám.
Còn những người mắc bệnh mãn tính - đối tượng mất nhiều thời gian trong khám, xét nghiệm, làm chẩn đoán. Bệnh viện Bạch Mai thực hiện quy trình lấy số từ cây tự động, dán mã code. Mỗi bệnh nhân sẽ có số thứ tự ngay sau đó và chờ đến lúc màn hình hiện số của mình, nhân viên gọi tên.
"Sau 5 năm thực hiện cải tiến quy trình khám chữa bệnh này (tính đến năm 2017), kết quả cho thấy, ngành y đã tăng được 7.335 bàn khám, tăng 62,6% so với trước cải tiến; giảm thời gian chờ đợi trung bình 48,5 phút/lượt khám bệnh cũng như tiết kiệm được hơn 110 triệu ngày công lao động". (Nguồn Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế).
Tương tự, là bệnh viện có số bệnh nhân đông, thường rơi vào tình trạng quá tải, Bệnh viện K bắt đầu áp dụng cho bệnh nhân khám chữa bệnh trực tuyến. Thay vì đăng ký tại quầy thông thường, người bệnh đăng ký khám tại nhà chỉ với 1phút/lần.
Sau khi đến bệnh viện, bệnh nhân chỉ qua 2 phút xác nhận và đợi khoảng 15 phút để chờ khám. Theo đại diện Bệnh viện K cho biết, với quy trình trên, người bệnh rút ngắn được khoảng 1/2 thời gian so với thủ tục thông thường.
Tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, Giám đốc Bệnh viện này chia sẻ, BN có thể đăng kí khám bệnh ngay tại nhà qua tổng đài 19009087 hoặc đăng ký qua website bệnh viện. Sau đó, mọi kết quả, lịch hẹn khám bệnh sẽ có ngay sau vài phút.
Bệnh viện tỉnh này cũng áp dụng quản lý thẻ khám bệnh thông minh cho phép phát số thứ tự điện tử, in và đọc thẻ mã vạch để nâng cao hiệu quả công việc và giảm ùn tắc bệnh nhân cũng như quản lý mã bệnh nhân thông suốt trong quá trình điều trị.
Công nghệ mới, quy trình cũ
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bệnh nhân tiếp cận cũng như sử dụng những trang thiết bị tiền tỉ đó không nhiều. Thay vào đó, những quy trình cũ, những thủ tục hành chính vẫn tái diễn. Vô hình chung, chuyện người dân không mặn mà với cải tiến bệnh viện, khiến cho chờ đợi khám bệnh đi vào lối mòn cũ.
Cô Phạm Thị Nga (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Thấy người ta đăng ký thế nào, tôi đăng ký thế đó. Chứ tôi không dám sờ vào mấy cái máy ấy. Nhiều người họ đăng ký thẳng với nhân viên, tôi đăng ký máy, chẳng biết phải đợi như thế nào, đợi đến bao giờ”.
Chưa kể, tại một số bệnh viện luôn rơi vào tình trạng quá tải, dù đã lấy số, bệnh nhân vẫn phải xếp hàng từ nửa đêm hoặc tờ mờ sáng vì chỉ cần đi muộn, "rút phải số lớn cũng phải đợi cả một ngày". Và dù nhiều bệnh viện đã tiến hành số hoá các thủ tục, giấy tờ nhưng khi khám bệnh, người dân vẫn khệ nệ với những loại y bạ, sổ sách, giấy tờ...
Ngoài ra, theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, một số bệnh viện chưa có phần mềm quản lý bệnh viện. Hay một số phần mềm bệnh viện chưa kết nối với các máy xét nghiệm để chuyển dữ liệu kết quả xét nghiệm, chưa có kết nối với các tuyến để liên thông tin người bệnh khi chuyển tuyến, không xem được kết quả cận lâm sàng bằng hình ảnh trên hệ thống máy tính. Việc triển khai lịch khám qua điện thoại, internet chưa đạt được hiệu quả.
Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế chia sẻ: "Thói quen nhiều người bệnh là cứ đến khám, không cần hẹn lịch, nhưng khó đến mấy cũng phải bắt đầu, không nên để người bệnh ngồi chờ đông và kéo dài".
Ngay như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 80% số lượng bệnh nhân khám sáng, số lượng quá đông nên thời gian chờ đợi kéo dài. Tuy nhiên, đó là do bệnh nhân hẹn lịch không thành công, vẫn giữ thói quen khám bệnh vào buổi sáng…
Vì vậy, sau này cần tiến hành đặt hẹn trên điện thoại, phân loại bệnh nhân để xếp lịch. Như với bệnh nhân khám tái khám, chúng ta có thể hẹn buổi chiều".
Phải chăng, nguyên nhân chính của việc người dân xếp hàng dài chờ đợi, không chỉ xuất phát từ việc bệnh viện “chưa thông minh” mà phần lớn từ chính nhận thức của người dân, nhân viên y tế trước sự cần thiết và hiệu quả của mô hình bệnh viện tiện ích?
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Vì sao cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân đều hững hờ với mô hình 'bệnh viện thông minh'? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].