Ngày 7/12, thông tin từ bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Quảng Ninh), bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho nam bệnh nhân T. V. B, 48 tuổi (Thủy Nguyên - Hải Phòng) bị sốc phản vệ sau khi ăn nhộng tằm.
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, 20 phút trước khi nhập viện, bệnh nhân B khi ăn cơm trưa có ăn khoảng 15 con nhộng tằm. Sau ăn người bệnh có xuất hiện nổi mẩn đỏ toàn thân, nôn ra thức ăn, rét run.
Ngay lập tức người bệnh được đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, nổi mẩn đỏ toàn thân, rét run, khó thở, huyết áp không đo được.
Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị sốc phản vệ độ III. Xác định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ. Người bệnh được tiêm Adrenalin, truyền dịch, corticoid…
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, nhộng tằm là loại thực phẩm bổ dưỡng nhưng không phải ai cũng ăn được loại thực phẩm này.
Trong 100g nhộng tằm có 79,7g nước, 13g protit, 6,5g lipit và cung cấp tới 206 calo. Hàm lượng protein trong nhộng tằm cũng rất cao, chiếm tới 73,5% gồm nhiều axit amin quan trọng như leucin, isoleucin, lysin, glycin, serin…
Tuy nhiên cũng vì lượng đạm trong nhộng tằm quá cao, nhộng tằm lại là loại thực phẩm dễ bị hỏng khiến chất đạm bị phân hóa, không còn giá trị dinh dưỡng và trở nên độc.
Các nguyên nhân gây ra ngộ độc nhộng tằm gồm:
- Nhộng tằm để lưu cữu lâu đã bị ôi hỏng, chất đạm trong thực phẩm đã bị phân hoá không còn giá trị dinh dưỡng nữa và trở nên độc.
- Nhộng tằm đã bị ngâm hoá chất cho nhộng căng, nom ngon hơn dễ bán.
- Cơ địa nhiều người có thể dị ứng với chất Natri sunfit.
Biểu hiện của dị ứng nhộng tằm:
- Sau khi ăn bị nổi mề đay, phát ban từng vùng hoặc ngứa khắp người.
- Người nôn nao khó chịu, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy, khó thở.
- Nặng hơn, nạn nhân có thể sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu xử trí kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Để đề phòng ngộ độc nhộng tằm, các chuyên gia y tế khuyên người tiêu dùng khi mua nhộng tằm về chế biến thức ăn cần chú ý chọn mua loại nhộng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, không nên mua nhộng nghi ngờ để lâu, đã ôi hỏng, không có nguồn gốc của những người bán rong. Những người có cơ địa hay bị dị ứng càng cần thận trọng với loại thức ăn này, tốt nhất là không ăn đề phòng dị ứng với nhộng tằm và chất bảo quản Natri sunfit.
V.LinhBạn đang xem bài viết Vì sao ăn nhộng tằm lại bị dị ứng? Những ai không nên ăn nhộng tằm? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].