Giáo viên, học sinh đều lẫn lộn L, N
Trường Tiểu học Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên) được chọn là nơi đầu tiên thí điểm chương trình dạy phát âm chuẩn của thành phố do địa phương này có 30% giáo viên và gần 50% học sinh nói lẫn lộn 2 âm L và N. Bắt đầu từ tháng 4/2009, các lớp từ khối 1 đến khối 5 đều có tiết học “Luyện phát âm và viết đúng 2 phụ âm đầu L, N”.
Hàng tháng chuyên viên của Sở Giáo dục được mời về trường nói chuyện với giáo viên, học sinh. Bắt đầu mỗi tiết tập đọc, giáo viên đều nhắc lại cách đặt lưỡi phát âm chuẩn "L, N", sửa cho những học sinh nói ngọng.
Song gần 10 năm trôi qua, theo khảo sát mới nhất của trường Tiểu học Phú Xuyên hồi tháng 4/2018, vẫn còn 25% giáo viên và 30% học sinh phát âm ngọng “L” và “N”.
Trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh) cũng là trường vốn có nhiều giáo viên, học sinh phát âm sau “L” và “N”. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Nga – Hiệu phó trường Tiểu học Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, từ những năm 2011 đến nay, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, trường cũng đưa vào giảng dạy tất cả các lớp mỗi tuần 1 tiết “Luyện phát âm và viết đúng 2 phụ âm đầu L, N”.
Lãnh đạo nhà trường lên thời khóa biểu tiết học này cho mỗi khối. Các thầy cô giáo trong trường tìm tòi những đoạn văn, đoạn thơ chứa đựng nhiều âm L và N để lên bài giảng, dạy học sinh cách phát âm chuẩn.
Hiện, trong giáo viên vẫn còn 1, 2 thầy cô vẫn còn nói lẫn lộn, phía học sinh hiện còn khoảng 20% học sinh vẫn chưa phát âm chuẩn 2 âm này dù viết chính tả đúng.
Sửa ngọng “L, N” chưa được cấp trên sát sao, gia đình đồng hành
Chia sẻ về nguyên nhân khiến những tiết học luyện âm L và N hiệu quả chưa cao, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Xuyên Nguyễn Thị Tuyết Mai nói: "Trường còn nhiều giáo viên cao tuổi, thói quen từ lâu năm nên sửa phát âm chậm. Sửa nói ngọng cho học sinh gặp khó khăn vì ông bà, bố mẹ, người xung quanh đều ngọng. Ở trường các em nói chuẩn, nghỉ hè xong lại tái ngọng".
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Nga, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh cũng cho biết: Các cô giáo nhiều khi còn vận động các em về nhà “dạy ngược” cho bố mẹ, người thân. Nhưng hầu như, nhiều phụ huynh học sinh còn không nhận ra “tác hại” của việc nói ngọng L, N nên không để ý tới việc “học cùng con”. Do đó, hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một trường Tiểu học khác trên địa bàn Hà Nội cho rằng: Việc sửa ngọng 2 âm L và N vô cùng quan trọng, tuy nhiên, từ khi Sở GD&ĐT triển khai chương trình luyện phát âm chuẩn 2 âm này đã 6, 7 năm nhưng các cấp trên chưa sát sao tới chương trình này.
6, 7 năm đưa vào chương trình dạy nhưng đến giờ chưa có thông báo, hội nghị đánh giá về kết quả thực hiện như thế nào? Kế hoạch tiếp theo ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất. Nên nhiều giáo viên cũng “oải”, không biết việc dạy các tiết học này đến khi nào? Nếu cứ tiếp tục dạy mà hiệu quả “làng nhàng” thế này, thì việc sửa triệt để là rất khó.
Bảo AnBạn đang xem bài viết Vì sao 10 năm sửa ngọng âm 'L' và 'N' vẫn chưa thành công? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].