Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Uống Paracetamol hạ sốt quá liều, bé trai 27 tháng ở Phú Thọ nguy kịch

Thấy con sốt cao, bố mẹ bé T.V.D (27 tháng, Thanh Sơn, Phú Thọ) cho con uống Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày.

Uống Paracetamol hạ sốt quá liều, bé trai 27 tháng ở Phú Thọ nguy kịch 0

Ngộ độc Paracetamol

Sáng 15/8, theo thông tin từ Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhi T.V.D (27 tháng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, mệt lả, sốt 38 độ C, khó thở nhiều, ho khò khè, tim nhịp nhanh, phổi thông khí kém, gan to dưới bờ sườn 2cm.

Các bác sĩ tại bệnh viện chẩn đoán suy hô hấp toan chuyển hóa nặng trên bệnh nhi viêm phổi, theo dõi ngộ độc Paracetamol.

Theo gia đình bé D, bé bị sốt từ ngày 10/8 kèm theo ho nên đã ra hiệu thuốc mua vỉ Paracetamol 500mg, về nhà mỗi ngày cho bé uống 4 viên để bé hạ sốt.

Tuy nhiên, do tình trạng sức khỏe bé không tiến triển nên gia đình đưa đến BV. Sau khi được bác sĩ sơ cấp cứu, bệnh nhi nhi được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực – Chống độc.

Tại đây, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản, thở máy, rửa dạ dày, bù kiềm. Tuy nhiên, 2 tiếng sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao.

Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan. Sau khi được điều chỉnh các chức năng sống cơ bản, bệnh nhi được chuyển tuyến xuống BV Nhi TƯ tiếp tục điều trị.

Uống Paracetamol hạ sốt quá liều, bé trai 27 tháng ở Phú Thọ nguy kịch 1

Dùng thuốc hạ sốt như thế nào cho đúng cách?

Bác sĩ Phan Hồng Sáng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Trung tâm Sản Nhi, BV Đa khoa Phú Thọ) cho biết, có rất nhiều trường hợp ngộ độc thuốc đã xảy ra và ngộ độc những loại thuốc hay gặp như thuốc hạ sốt, thuốc dùng điều trị tiêu chảy (Loperamid), thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), hạ huyết áp, chống dị ứng, thuốc á phiện, thuốc ngủ…

Nguyên nhân chủ yếu là do người nhà tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ; hoặc một số phụ huynh vì muốn trẻ nhanh khỏi bệnh đã tự ý cho trẻ uống thuốc quá liều.

Ngoài ra, cũng có trường hợp cha mẹ sử dụng đơn thuốc của trẻ khác để mua thuốc cho con uống đã vô tình gây hại cho trẻ. Thậm chí, có nhiều trường hợp do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Chính vì tính nguy hiểm và hậu quả nghiêm trọng của việc bị ngộ độc thuốc mà các bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh: Khi con sốt, ho cần phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa và dùng thuốc theo đơn, đúng liều lượng và đúng hướng dẫn, không được tự ý dùng thuốc.

Với các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn của bác sĩ điều trị, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ. Để thuốc ngoài tầm thấy, tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ thuốc trong tủ có khóa an toàn.

Khi ngộ độc thuốc trẻ có thể bị tổn thương gan, thận, suy hô hấp, suy tuần hoàn nếu không được can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng thậm chí dẫn đến tử vong.

Việt Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính