Liên quan tới sự việc BGH trường THCS Duy Ninh soạn bộ 18 câu hỏi về việc học sinh H.LN (lớp 6.2) bị cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy phạt 231 cái tát, rồi phát cho học sinh lớp 6.2 để các em trả lời bằng cách viết vào giấy A4, ghi rõ giới tính, tên, ngày tháng, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Dù với mục đích gì, thì nhà trường cũng không nên thu thập thông tin bằng cách đó.
“Nhà trường phát phiếu lấy ý kiến của học sinh có tính chất thu thập thông tin theo kiểu điều tra xã hội học. Nhưng việc thu thập này chỉ áp dụng đối với những sự việc điều tra lấy ý kiến dư luận thôi, và việc ghi tên vào phiếu là không bắt buộc. Những câu trả lời là vô tư, khách quan.
Nhưng hệ thống câu hỏi của trường THCS Duy Ninh có tính chất định hướng nội dung trả lời, có xu hướng bao che cho sai phạm của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Việc yêu cầu các em phải ghi họ tên vào phiếu khiến các em bị áp lực rất nặng nề đến tâm lý của trẻ em. Những đứa trẻ này vừa mới là nạn nhân của sự việc nam sinh H.L.N bị tát 231 cái.
Bởi chúng bị cô giáo bắt tát bạn, chúng vẫn đang hoang mang với hình thức trừng phạt bạn mình của cô giáo chủ nhiệm. Thêm nữa, chúng bị gieo rắc tư tưởng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, ảnh hưởng đến nhân cách, tâm lý của trẻ.
Thế mà BGH trường THCS Duy Ninh lại thêm 1 lần nữa biến chúng thành nạn nhân, gây chấn động tâm lý của những học trò này. Bởi vì nếu chúng trả lời thật, có khi các em lại sợ hãi vì có thể sẽ bị trù dập. Nếu trả lời theo định hướng bộ câu hỏi của nhà trường, sẽ làm bóp méo, sai lệch vụ việc, hình thành tư tưởng nói dối ở những đứa trẻ” – Luật sư Cường nêu quan điểm.
Không phải ngẫu nhiên pháp luật quy định, trong trường hợp xác minh, điều tra, thì với người dưới 18 tuổi phải có người giám hộ, người đại diện pháp luật, người đại diện hợp pháp.
Tuy việc phát phiếu lấy ý kiến của nhà trường không phải một cuộc điều tra như của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhưng thời điểm các em vừa phải chứng kiến một sự việc bạo lực nghiêm trọng trong lớp, nhà trường lại yêu cầu các em trả lời tới 18 câu hỏi, thay vì động viên các em kể lại sự việc là việc không nên.
Trước đó như Gia Đình Mới đưa tin, sau khi xảy ra việc nữ giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy phạt nam sinh H.L.N 231 cái tát, ngày 24/11, BGH trường THCS Duy Ninh đã tổ chức việc phát phiếu gồm 19 câu hỏi liên quan tới sự việc, yêu cầu học sinh lớp 6.2 trả lời. Các em phải ghi rõ tên, giới tính, ngày tháng…
Dù bà Phạm Thị Lệ Anh – Hiệu trưởng trường THCS Duy Ninh khẳng định việc nhà trường lấy ý kiến học sinh lớp 6.2 chỉ là để nắm bắt sự việc chứ không phải mang tính định hướng nhưng sự việc vẫn đang gây tranh cãi.
Bảo AnBạn đang xem bài viết Từ vụ 19 câu hỏi về 231 cái tát: Hiệu trưởng có được thu thập, lấy ý kiến của học sinh? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].