Đây là một trong những quy định tại Nghị định 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực từ ngày 1/11/2020.
Theo đó, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng.
Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
Mức hỗ trợ do UBND cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
Cơ sở giáo dục mầm non chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí và chi trả kinh phí trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; Thời gian chi trả thực hiện 2 lần trong năm học: Lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 11 hoặc tháng 12 hằng năm; Lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm.
Trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em chưa nhận được kinh phí hỗ trợ học phí theo thời hạn thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.
Trường hợp trẻ em thôi học, cơ sở giáo dục mầm non có trách nhiệm báo cáo phòng giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo trình UBND cấp huyện dừng thực hiện chi trả chính sách.
Hồ sơ xét duyệt gồm: Đơn đề nghị trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động tại khu công nghiệp có xác nhận của đơn vị sử dụng lao động nơi cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đang công tác; Giấy khai sinh hoặc Sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú của trẻ em (bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực).
An AnBạn đang xem bài viết Từ tháng 11/2020 con công nhân học mầm non được hỗ trợ tối thiểu 160.000 đồng/tháng tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].