Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT

Mất 5 năm, cô Cúc mới thừa nhận con trai mình là người đồng tính. Từ chỗ không chấp nhận con, cô trở thành thành viên tích cực tham gia hoạt động về LGBT và là người mẹ của mọi đứa con trong cộng đồng.

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT 0

Thái Bình, năm 2005

“Con muốn nói với mẹ một điều bí mật mà con đã giấu 6 năm nay, con là người  đồng tính. Không biết có phải do con thiếu vắng người cha hay không mà con luôn muốn tìm sự che chở của một người đàn ông. Con cảm thấy rất thích và có xu hướng gần một bạn nam…”

Đọc những dòng chữ do chính con trai viết gửi cho mình, cô Bùi Thị Cúc đã thực sự sốc. Trong tâm người mẹ một mình tần tảo nuôi con, chưa bao giờ cô nghĩ con mình "bất bình thường".

Khi ấy ở một vùng quê như Thái Bình, “đồng tính” là khái niệm đầy xa lạ. Bản thân cô chưa biết người đồng tính là như thế nào, chỉ biết họ yêu người cùng giới. Trong con mắt của xã hội, đó là những người không được thừa nhận.

  Nhà chỉ có 2 mẹ con, cô Cúc chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng con trai cô là người đồng tính.

Nhà chỉ có 2 mẹ con, cô Cúc chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng con trai cô là người đồng tính.

Sau lần công khai đầu tiên của Việt Hà, cuộc sống của hai mẹ con cô Cúc đã hoàn toàn thay đổi. Sống lẻ bóng trong căn nhà chỉ có hai mẹ con, cô Cúc nghĩ đó trào lưu của thanh niên mới lớn, cố gắng khuyên con lo học hành, lâu dài không nghĩ đến nữa sẽ quên nhanh thôi. Sau này, con sẽ gặp được các cô bé dễ thương, con sẽ yêu họ. Người mẹ ấy vẫn ôm một nỗi hy vọng rằng con mình sẽ thay đổi.

Cũng như bao người mẹ khác, việc chấp nhận ngay từ khoảnh khắc con công khai là điều không thể. Cô quyết định gửi Việt Hà đi bộ đội với một niềm mong mỏi, môi trường quân đội sẽ uốn nắn con người Việt Hà trở lại bình thường, sự cứng rắn và thao trường sẽ làm con trai cô thay đổi. Gần 2 năm trong quân ngũ êm đềm trôi qua, cô và Việt Hà cũng ít nhắc lại chuyện lá thơ năm nào.

Sau khi xuất ngũ, cô Cúc ép Việt Hà học kế toán bởi lớp đó 90% là nữ. Cô hy vọng trong một môi trường nhiều nữ, Việt Hà sẽ thay đổi được xu hướng tình cảm của mình.

Học xong đi làm, cô luôn nghe ngóng xem Việt Hà có thích bạn gái nào trong lớp không? Nhưng niềm mong mỏi của cô chỉ được trả lời bằng sự im lặng của con trai mình.

  Người mẹ ấy đã từng rất mong mỏi môi trường xung quanh sẽ giúp con trai cô trở lại

Người mẹ ấy đã từng rất mong mỏi môi trường xung quanh sẽ giúp con trai cô trở lại "bình thường".

Thái Bình, năm 2010

Việt Hà quyết định “come out” lần thứ hai với mẹ. Biết chuyện, người anh họ của Việt Hà đã bay từ nam ra Thái Bình để làm ra lẽ xu hướng tính dục của em. Sự tức giận đã chuyển thành những lời miệt thị, chửi mắng nặng nề.

Có lẽ, không có sự tổn thương nào bằng nỗi đau bị chính người thân không chấp nhận bản thân mình?

Đối với cô Cúc cũng như Việt Hà, thời gian đó như địa ngục. Sự căng thẳng bao trùm căn nhà nhỏ nép mình nơi phố huyện. Nhớ lại, cô thấy lòng rối như tơ vò, ngổn ngang trăm mối không biết xử trí thế nào.

“Con không biết nói thế nào cho mẹ hiểu, mẹ không biết phải đối xử với con như thế nào. Cô rất căng thẳng, hoang mang, lo sợ nhưng cũng rất thương con. Bao nhiêu tình cảm chồng chéo nhau làm người làm mẹ khó xử vô cùng.” - Cô Cúc nhớ lại khoảng thời gian khó khăn của cả mẹ và con.

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT 3

Sau lần “come out” thứ 2, cô Cúc vẫn gây áp lực cho Việt Hà. Trong tâm niệm một người mẹ, cô luôn nhắc nhở “con là người đàn ông, con sẽ lấy vợ, có những đứa con, đó là tương lai con phải làm”.

Điều này khiến Hà rất áp lực, có giai đoạn Hà bỏ việc vào ban ngày, ban đêm cứ đi suốt rồi sáng mới về.

Cứ thế, hai mẹ con im lặng trong căn nhà vốn dĩ bình yên, nay lại trăm cơn sóng vỗ.

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT 4

Hà Nội, ngày 17/10/2015

Cô Cúc nhận được giấy mời tham dự một hành trình đặc biệt “Hiểu về con”. Đắn đo không biết nên đi hay không, nhưng cô vẫn giữ một hy vọng sẽ có một phương pháp nào đấy để giúp cho con khỏi đồng tính.

Suốt quãng đường hơn 100 km, cô Cúc đi với tâm trạng rối bời.

“Hành trình hiểu về con” không đơn thuần là buổi gặp gỡ mà là một hành trình để các ông bố, bà mẹ có con người đồng tính cùng thấu cảm cho con cái họ. Cô đã được gặp các mẹ, các bố, mỗi người chia sẻ câu chuyện của mình: mẹ Nguyệt, anh Tùng, Bi Lala…

Tất cả khiến cô Cúc lặng người, mọi dồn nén chỉ trực chờ rơi trên đôi mắt đỏ hoe. Ngồi lặng lẽ nghe tất cả câu chuyện, cô đã biết một thế giới khác của con mà bấy lâu nay cô chưa một lần dũng cảm phá bỏ rào cản mà bước vào.

“Cô nhận ra rằng hóa ra không chỉ có mình, mà còn rất nhiều cha mẹ cũng cùng hoàn cảnh. Sau buổi hôm ấy, mọi thứ gần như vỡ òa. Cô đã phá bỏ được rào cản của mình, bước ra từ khoảng trời khác” - Cô Cúc bồi hồi kể lại.

Trên đường trở về Thái Bình, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.

  Sau

Sau "Hành trình hiểu về con" năm 2015, cô Cúc (ngoài cùng bên trái) thường xuyên tham gia hoạt động về LGBT. Cô cũng là thành viên tích cực của PFLAG VN - Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính, chuyển giới Việt Nam.

Sau khi tham gia “Hành trình hiểu về con”, hai mẹ con đã hiểu nhau hơn, góc khuất trong thế giới của con đã được cô Cúc khám phá. “Nhìn con hạnh phúc mình cũng rất hạnh phúc, hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của mẹ, lúc ấy mới thực sự đón nhận.”

  Cô Cúc và Việt Hà đã cùng nhau tham gia nhiều sự kiện của cộng đồng.

Cô Cúc và Việt Hà đã cùng nhau tham gia nhiều sự kiện của cộng đồng.

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT 7

Hà Nội, năm 2011

Sau những tháng ngày không vui vẻ, hai mẹ con đã hiểu nhau hơn. Cô Cúc đã từng ân hận vì mình có những ứng xử không đúng làm con tổn thương. Cô đã quyết định giúp con về công khai với họ hàng, làng xóm.

“Cô có tính là đã tin cái gì đúng thì cô sẽ làm bằng được, cô tin cô đúng, con cô đúng, nó là phần tự nhiên của con người. Cô đã lấy những tài liệu về LGBT cho mọi người đọc, để họ hiểu hơn về thế giới của con”.

Thật may mắn, họ hàng, hàng xóm đều không có phản ứng tiêu cực nào, họ hoàn toàn ủng hộ sự phát triển tự nhiên của Hà, cảm thông với cô.

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT 8

Quãng thời gian sau những sóng gió là những ngày tháng cô và Việt Hà hạnh phúc nhất. Hiểu được áp lực của những người trong cộng đồng con mình, cô tích cực tham gia các hoạt động về LGBT.

Người mẹ Thái Bình đã rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc để truyền đi những thông điệp đầy ý nghĩa. Chia sẻ câu chuyện của hai mẹ con để tìm sự thấu cảm với mọi người, truyền cho các bạn trẻ trong cộng đồng LGBT một nguồn sống đầy tích cực.

Không chỉ đồng hành cùng con, cô Cúc còn là người mẹ lớn của cộng đồng LGBT. Bất cứ ai nhắc đến cô đều gọi tên gọi thân thương: “Mẹ Cúc của con”.

“Cô muốn mình là chỗ dựa tinh thần cho các bạn tìm đến khi không biết ứng xử làm sao. Sẽ là người động viên, truyền cảm hứng cho cộng đồng, để các con sống mạnh mẽ hơn, dám sống thật với bản thân mình, lan tỏa những điều tốt đẹp ra ngoài xã hội, từng chút một để xã hội có cái nhìn thấu hiểu hơn.”

Từ người mẹ 5 năm tìm cách giúp con trai 'khỏi' đồng tính đến bà mẹ của mọi đứa con LGBT 9

Gặp lại cô Cúc ở căn nhà nhỏ, vẫn dáng người tần tảo ấy. Gương mặt hiền hậu luôn toát lên vẻ gần gũi với bất cứ ai. Sự ấm áp của người mẹ đã giúp đỡ biết bao đứa con bất hạnh trong cộng đồng.

Căn nhà của cô không chỉ có cô, mà còn là nơi hoạt động chung của cộng đồng LGBT Thái Bình. Các bạn ở địa phương hay lui tới để chia sẻ, trò chuyện hay đơn giản là nấu nướng phụ giúp cô việc nhà.

  Hành trình của Việt Hà cũng như những đứa con LGBT trở nên trọn vẹn hơn khi có cha mẹ đồng hành.

Hành trình của Việt Hà cũng như những đứa con LGBT trở nên trọn vẹn hơn khi có cha mẹ đồng hành.

Cả quá trình dài từ phản đối đến đồng hành cùng con, biết bao hỉ nộ ái ố hai mẹ con đã nếm trải. Giờ đây, cô cảm thấy tình cảm mẹ con nâng lên một cung bậc mới, khi cô được đồng hành cùng con trong mọi hoạt động, cùng con đi truyền lửa cho các bạn trong cộng đồng LGBT.

“Cô tham gia các hoạt động cộng đồng thì Hà hạnh phúc và hãnh diện vì được sống trong tình yêu trọn vẹn của mẹ. Nhiều bạn trong cộng đồng biết được câu chuyện của hai mẹ con, cũng thấy quyết tâm hơn trong việc công khai với gia đình. Giống như có được nguồn năng lượng giúp đỡ các bạn chiến đấu với những khó khăn của cuộc sống vậy.”

Nhìn lại cả hành trình dài của người mẹ Thái Bình, sẽ rất nhiều người tự hỏi: động lực nào giúp cô Cúc vượt qua những định kiến để có được ngày hôm nay.

Nhưng, sau tất cả, tình yêu và sự vĩ đại của một người mẹ là động lực để cô vượt qua mọi rào cản của xã hội để cùng con bước đi trên con đường tìm lại và công khai bản thân mình.

Ái Linh - Thế Vũ

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính