Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM, bắt đầu từ 0 giờ ngày 23/8, TP thực hiện đợt giãn cách xã hội tăng cường, nâng cao các biện pháp tương ứng với mức độ lây lan của dịch COVID-19 hiện nay trên địa bàn TP.
TP sẽ siết chặt giãn cách nghiêm hơn trước, quy định rõ từng đối tượng được đi làm, người dân không thuộc những trường hợp này sẽ tuyệt đối không ra đường. Mong muốn của TP là chặt đứt chuỗi lây nhiễm COVID-19 đang phức tạp, phấn đấu quyết tâm kiểm soát dịch trước ngày 15/9.
Ông Hải cho biết, để thực hiện đợt giãn cách này, TP rất chú trong tới việc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân, TP cam kết sẽ đảm bảo lương thực, thực phẩm trong suốt thời gian giãn cách.
Ông Hải thông tin thêm, việc cung ứng hàng hóa, TP.HCM chia thành hai nhóm: Nhóm vùng xanh và vàng, nhóm vùng cam và đỏ.
Đối với người dân ở vùng xanh, vùng vàng, chia làm hai nhóm: Một là người dân có điều kiện chưa cần hỗ trợ, được đi chợ 1 lần/tuần.
Còn lại, những người dân có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận gói hỗ trợ. TP.HCM đã thành lập trung tâm an sinh; chuẩn bị hai triệu gói hỗ trợ của TP.
“Trong gói hỗ trợ gồm những mặt hàng thiết yếu, là gạo, đường, muối, nước mắm, nước tương… để đảm bảo một phần dinh dưỡng cho bà con. Tất nhiên chúng ta không thể đáp ứng được hết tất cả. Chúng ta phải cùng nhau thắt lưng buộc bụng để cùng nhau vượt qua. Kính mong bà con ủng hộ để khi nhận gói này là tình cảm, trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền thành phố chăm lo cho bà con”.
Vùng cam, vùng đỏ cũng chia hai nhóm như thế. Người dân có điều kiện chưa cần sự giúp đỡ thì không đi ra ngoài, tổ công tác sẽ đi chợ giúp 1 tuần/lần và người dân trả tiền; nhóm người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận tận tay gói an sinh.
Về địa điểm mua hàng trong 14 ngày giãn cách, theo ông Hải, TP đã cung cấp cho tất cả phường xã, thị trấn gần 3.000 địa chỉ bán hàng. Người dân tại vùng xanh và vùng vàng dựa vào địa chỉ này để đi chợ. Trường hợp địa bàn thiếu hàng hóa, TP sẽ đưa xe lưu động chở hàng hóa tới từng địa bàn để người dân mua.
Với người dân có nhu cầu mua hàng hóa hoặc cần hỗ trợ thì gọi việc đầu tiên gọi tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp mình đang sống. Sau đó tổ trưởng, tổ phó khu phố, ấp sẽ giúp gọi cho chủ tịch phường để hỗ trợ người dân.
V.LinhBạn đang xem bài viết Từ 0 giờ ngày 23/8, người dân TP.HCM đi chợ, nhận lương thực, thực phẩm như thế nào? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].