Ngôi trường không có danh hiệu giáo viên dạy giỏi
Một buổi chiều tháng 5, khi học trò sắp bước vào bài thi cuối cùng lấy bằng tú tài A-Level, Tony Salt, thầy giáo dạy Hoá đến từ nước Anh đã trải qua nhiều năm dạy học ở 7 nước trên thế giới, nói với chúng tôi: “Bạn hỏi điều gì là áp lực lớn nhất ư? Với chúng tôi, đó không phải là thành tích bao nhiêu em học giỏi, mà làm thế nào để chuẩn bị được những bài giảng hấp dẫn, giúp học sinh đam mê việc học, từ đó biết làm chủ kiến thức, biết vận dụng giải quyết vấn đề cho cuộc sống”.
Trong khi các đồng nghiệp ở trường học Việt Nam đang “vắt chân lên cổ” lo ôn luyện cho học sinh của mình thi THPT quốc gia, với “gánh nặng” làm sao cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phải trên 90%.
Cô Jane Ball, một đồng nghiệp của thầy Tony đang dạy môn Toán ở trường TH School cho biết thêm: “Ở đây, không có danh hiệu giáo viên dạy giỏi; mục tiêu giáo dục cũng khác. Trong một lớp, học sinh có nhiều trình độ khác nhau, không thể lấy tiêu chí lớp có nhiều em đạt điểm A thì giáo viên sẽ giỏi hơn”.
Ở đây, học sinh sẽ cùng làm việc với giáo viên để đạt được tối đa khả năng của mình.
“Hồi ở trường công, em thấy bị phụ thuộc vào giáo viên rất nhiều. Thầy cô cho đề cương học cái gì, ôn tập cái gì thì chú tâm vào đấy, học để thi thôi. Còn ở đây, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn, phần lớn bọn em phải có ý thức tự học” - Châu Anh, học sinh năm cuối Trường TH School đút rúc sau 3 năm theo học ở trường.
Điều đọng lại với cô học sinh đến từ miền núi Nghệ An này là giáo viên rất tôn trọng học sinh, không bao giờ có tâm lý áp đặt hay chăm chăm vào điểm số. Châu Anh cảm thấy thầy cô trân trọng từng sự thay đổi nhỏ của mình.
Một khác biệt nữa là các thầy cô không bao giờ có sự so sánh mình với bạn khác. Điều này khiến các em luôn có động lực và năng lượng để bước lên phía trước.
Cô nữ sinh nhỏ nhắn này nhớ mãi cảm giác chán chường khi bố mẹ hỏi kết quả của mình xong liền hỏi kết quả của bạn bè thế nào. Với em, sự so sánh của cha mẹ hay thầy cô làm nhụt ý chí rất nhiều. Học sinh bị so sánh sẽ có tư duy rằng đằng nào mình cũng thế, có cố gắng thì cũng thế thôi. “Ở các trường VN, các bạn rất áp lực vì sự so sánh ấy. Vào đây, em đã thay đổi được cả quan niệm của bố mẹ”.
Tạo tâm thế tự chủ, chủ động cho học sinh tự lập, nhưng không có nghĩa là các thầy cô ở đây lơ là việc học của các em. Chẳng hạn như để thúc học tiếng Anh, học sinh sẽ có cuốn sổ nhỏ mỗi ngày phải ghi 25 từ mới, cuối tuần giáo viên sẽ kiểm tra.
Giáo viên đứng sau học sinh như thế nào?
Trợ giảng cho thầy Tony là Thu Hương, 25 tuổi, tốt nghiệp khoa Hoá Trường ĐHSP Hà Nội 1. Hương kể rằng để “tạo ra sức hút”, thầy Tony đã thiết kết các bài học hết sức sinh động. Chẳng hạn, thầy từng cho học sinh làm thí nghiệm thông qua đề bài là giải quyết vụ án tìm ra kẻ trộm với chứng cứ để lại hiện trường là một miếng vải.
Thầy Tony đã tẩm vào miếng vải một số chất thể hiện xuất xứ của miếng vải và học sinh phải tự dùng kiến thức hóa học của mình, làm các thí nghiệm để tìm ra trên miếng vải có những tạp chất gì và từ đó truy tìm ra nguồn gốc của kẻ trộm. Nhiều lúc Hương cũng bị cuốn theo bài học, đôi khi cả thầy và trò cùng thảo luận rất hài hước, và bài học cứ thế “ngấm” vào lúc nào không biết.
Vui là vậy, nhưng kiến thức trong các bài học cũng đòi hỏi rất cao. Có những thí nghiệm mà đến năm cuối ở trường đại học Hương mới được làm, thì học sinh lớp 11 ở TH School đã được học, được làm, chẳng hạn như các thí nghiệm về chuẩn độ. “Tất nhiên, với thiết bị và phòng học thí nghiệm “chuẩn quốc tế”, học sinh không muốn hào hứng cũng không được”, Hương cười.
Đặc biệt, thầy cô là người có vai trò lớn trong lựa chọn nghề nghiệp và định hướng tương lai; nhưng vẫn theo tinh thần hỗ trợ chứ không làm thay. Chẳng hạn, ở những môn học có bài luận, giáo viên sẽ hướng dẫn sao cho học sinh viết tốt hơn chứ không có quyền thay đổi bất cứ nội dung gì trong bài làm của học sinh.
Sự khác biệt ở TH School
Những ngày hè nóng bỏng này, trong khi bạn bè đồng trang lứa đang vắt sức, “mài mông” ở những lớp luyện thi thì hầu hết học sinh lớp 12 ở TH School đã thi xong và khá thoải mái vì đã biết mình được trường đại học nào đón nhận.
Kết quả thi A-Level đến tháng 8 mới có, nhưng nhiều trường đại học trên thế giới vẫn chấp nhận hồ sơ của các em với những “điểm dự đoán” của giáo viên, cùng với đánh giá quá trình học 3 năm trước đó.
Bằng cách học đó, học sinh TH School lại “đi đến đích” nhanh nhất với những “cơn mưa” học bổng tiền tỷ và hỗ trợ tài chính cho các em du học ở những trường Đại học danh giá.
Đánh giá của giáo viên, thư giới thiệu, cách hướng dẫn làm hồ sơ, viết bài luận... là những hành trang quý giá mà thầy cô trang bị cho các em. Hầu hết học sinh ở trường tự làm hồ sơ du học và tự dịch tất cả các tài liệu cần thiết.
Ung dung như vậy vì ngay từ khi bắt đầu vào lớp 10, khi chọn môn, các em đã được thầy cô định hướng nghề nghiệp, tư vấn lựa chọn môn học khá kỹ.
Các nghiên cứu về giáo dục gần đây cho thấy, những khu vực có nền giáo dục tiến bộ vẫn đang thúc đẩy cải cách không ngừng. Ở Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hồng Kông, các khẩu hiệu đang được hưởng ứng là “Dạy ít hơn, học nhiều hơn”, “Đặt học sinh vào trung tâm của sự học”, “Cuộc sống học đường phải toàn diện”...
Những cách tiếp cận này đều hướng tới thay đổi vai trò của giáo viên, phải là hỗ trợ và dẫn dắt việc tự học của học sinh. Soi lại những gì mà các học sinh đã được thụ hưởng thì có thể thấy, những người thầy ở trường TH School đang đi trước trong xu thế cải cách giáo dục toàn cầu.
Trong số các học sinh lớp 12 của trường giành được học bổng và hỗ trợ tài chính theo học các trường đại học trên thế giới có 2 học sinh nổi bật là Nguyễn Anh Trung- được gần 20 trường đại học nhận hồ sơ như Trường ĐH Michigan – trường top 20 thế giới (Trung đăng ký vào ngành Khoa học máy tính xếp top 5 ở Mỹ); ĐH Hong Kong - top 26 thế giới, nơi Trung được nhận vào chương trình Trí tuệ nhân tạo với học bổng toàn học phí, ngành này chỉ lấy 15 học sinh mỗi năm; trường Worcester Polytechnic Institute (học bổng Presidential Scholarship), Miami University (học bổng Full Scholarship) và hơn 10 trường ĐH khác...
Cuối cùng, nơi Trung chọn là Minerva Schools at KGI (Mỹ); Một bạn học khác cũng tên Trung- Nguyễn Việt Trung được 10 trường đại học nhận hồ sơ như Đại học Georgetown nơi cựu tổng thống Bill Clinton từng theo học, trường Đại học Washington and Lee; trường Đại học Miami, trường Hendrix College… ở Hongkong có 1 trường là Trường ĐH Khoa học và Công Nghệ Hongkong, trường Đại học Jacobs University Bremen ở Đức
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Trường TH School đã dạy học sinh tự tin và tự chủ như thế nào? tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].