Mẹ bé N.G.L. (4 tuổi, ở Kim Sơn, Ninh Bình) kể lại: “Buổi sáng hôm đó khi vào giường đánh thức con dậy đi lớp, lúc mặc áo cho con tôi thấy một bên miệng của con bị méo, mắt một bên nhắm một bên mở.
Lúc đó nghĩ rằng con buồn ngủ nên làm nũng, ai ngờ sau khi rửa mặt, chải tóc cho con thấy miệng con méo xệch, uống sữa con khó nuốt, chảy hết ra ngoài. Vợ chồng tôi hốt hoảng cho con đi thăm khám thì được biết con bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh”.
Theo Lương y Nguyễn Thúy, phòng khám Đông y Ích Thọ Đường (Hà Nội), tình trạng trẻ nhỏ bị liệt mặt, méo mồm do liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không hiếm gặp. Bệnh này gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, xảy ra nhiều khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là những ngày đông giá rét.
“Cách đây không lâu, tôi cũng đã điều trị cho một bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bé được mẹ mang đến phòng khám trong tình trạng lệch một bên mặt, tê bì bên bệnh; một bên mắt không nhắm kín; miệng lệch về bên lành.
Trước đó bé đã được gia đình đưa đi thăm khám chuyên khoa thần kinh tại bệnh viện, uống nhiều thuốc mà không đỡ, mặt vẫn méo xệch. Tình trạng này kéo dài làm mẹ bé lo lắng, sợ mặt con không trở về bình thường như xưa.
Hiện, tôi cũng đang điều trị cho một người đàn ông trung niên bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do bị lạnh. Bệnh nhân này cũng đã đi điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ.
Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bệnh nhân không có tiền đi bệnh viện điều trị dứt điểm. Biết hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, tôi đã nhận điều trị miễn phí cho người bệnh” – Lương y Nguyễn Thúy chia sẻ.
Nói về bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, Lương y Nguyễn Thúy cho biết thêm, đây là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng.
Mặc dù là căn bệnh lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là do lạnh đột ngột làm tổn thương gây phù nề chèn ép dây thần kinh khi chạy trong xương đá, gây mất dẫn truyền giữa thần kinh trung ương ra ngoài, từ đó gây liệt.
Hiểu theo y học cổ truyền là do phong hàn xâm nhập vào các kinh dương ở mặt gây ngưng bế vận hành khí huyết, dẫn đến không nuôi dưỡng được các cơ ở mặt và gây liệt.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên như nhiễm virus, cảm cúm, chấn thương vùng mặt, ở sọ vùng thái dương, xương chũm, viêm tai mũi họng…
Trong các nguyên nhân gây bệnh kể trên thì thời tiết thay đổi, lạnh, ẩm là tác nhân lớn gây ra bệnh. Khi chẳng may bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng:
- Lệch một bên mặt, tê bì bên bệnh
- Mắt không nhắm kín bên bệnh
- Miệng lệch về bên lành
- Ăn mắc thức ăn lợi bên liệt
- Uống nước vãi bên liệt
- Không thổi sáo được
- Nhân trung lệch
Để điều trị cho các bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, theo lương y Nguyễn Thúy, việc áp dụng các biện pháp điều trị của Đông y, trong đó có kết hợp các liệu pháp điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại… có hiệu quả tích cực.
Với các bệnh nhân phát hiện và chữa trị sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh sẽ rất cao. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu của bệnh, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm để được chữa trị kịp thời.
Vị lương y này cũng khuyến cáo mọi người một số biện pháp phòng ngừa bệnh như sau:
- Sáng ngủ dậy nên xoa mặt giúp khí huyết lưu thông, ấm nóng cơ mặt.
- Uống nước nóng trước khi ra ngoài trời lạnh giúp sưởi ấm tạng phủ kinh mạch
- Rèn luyện dưỡng sinh đều đặn
- Chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường chính khí
- Tránh uống nước lạnh mùa đông
- Buổi tối khi ngủ cần ngủ trong phòng ấm, tránh gió, đắp chăn ấm
- Không tắm quá muộn, tắm nước lạnh
- Hạn chế uống rượu bia.
- Khi ra ngoài đường cần đeo khẩu trang, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, không nên để trẻ nhỏ ngồi phía trước xe máy lúc trời lạnh.
- Những người có thói quen đi tập thể dục sáng sớm cần mặc đủ ấm hoặc nên đi thể dục muộn hơn hoặc thể dục nhẹ nhàng ở những nơi kín gió.
L.MinhBạn đang xem bài viết Trời rét đậm, con liệt mặt, méo mồm sau một đêm, mẹ ngỡ ngàng khi biết sự thật tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].