Người nước ngoài ở Triều Tiên đi đâu cũng phải có hướng dẫn viên (HDV) đi kèm. Chúng ta không thể tự ý đi gặp và nói chuyện với người bản xứ, liên lạc lại càng không.
Không chỉ không có internet, người nước ngoài còn không thể mua sim điện thoại, và vì thế cũng không thể gọi điện tuỳ ý cho người bản xứ.
Chúng ta cũng không thể tiêu tiền nội tệ mà buộc phải tiêu 1 trong 3 loại ngoại tệ được chấp nhận, là Nhân dân tệ, Đô la Mỹ và Euro.
Dù biết tiếng Triều Tiên (cũng chính là tiếng Hàn mà người Hàn Quốc sử dụng), đến đó chúng ta cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không thể đi sâu vào cuộc sống đời thường của họ được!
Thế còn người Triều Tiên, họ liên lạc với nhau ra sao, với thế giới bằng cách nào?
Mỗi công dân trưởng thành ở thành phố được phát miễn phí 1 sim điện thoại, với 20 phút gọi và 20 tin nhắn miễn phí mỗi tháng. Dùng nhiều hơn phải trả tiền.
Họ không thể gọi điện hoặc nhận cuộc gọi ra nước ngoài, trừ số điện thoại cố định của các công ty nhà nước được chỉ định.
Triều Tiên có mạng intranet riêng của họ, với các tên miền có đuôi .kp. Gọi là intranet vì nó không thể truy cập ra nước ngoài và ngược lại, từ nước ngoài vào.
Họ có thể đọc tin tức trên điện thoại, sử dụng phần mềm OTT để nhắn tin trong intranet, nhưng chỉ trên máy tính chứ không ở trên điện thoại.
Điện thoại đều do Triều Tiên tự sản xuất với hệ điều hành Android. Số lượng người ở thành thị sử dụng smartphone chiếm khá nhiều trong số những người tôi gặp.
Bạn có thể gửi email đến Triều Tiên. Thật vậy. Nhưng là email cho một tổ chức, ví dụ một phòng ban hay một công ty, và có nhiều người cùng sử dụng một email để gửi - nhận thư. Vì thế, trong tiêu đề thư bạn phải ghi rõ tên người nhận.
Đối với người Triều Tiên, đi lại từ tỉnh này sang tỉnh khác phải có giấy thông hành do tổ chức cấp. Trên đường chúng tôi đi từ Bình Nhưỡng về Núi Kim Cương cách nhau 260km, có ít nhất 3 lần HDV phải xuống xuất trình giấy thông hành của xe cho các trạm kiểm soát của quân đội.
Những người đi xe đạp, đi bộ qua một bốt gác ven đường mà tôi nhìn thấy cũng đều phải xuống xe và có thể bị kiểm tra xác suất xem có giấy tờ hay không.
Trên đường chúng tôi đi có rất nhiều người vẫy xin đi nhờ, dù xe còn rộng chỗ nhưng lái xe đều từ chối. Có thể vì về kỹ thuật, Triều Tiên vẫn trong thời chiến (họ mới chỉ ký hiệp ước đình chiến chứ chưa hề có thoả thuận về chấm dứt chiến tranh) nên họ luôn phải “thiết quân luật” như vậy chăng?
Triều Tiên không có kinh tế tư nhân. Tất cả các ngành nghề đều do Nhà nước nắm. Kể cả một sạp hàng nhỏ bán trái cây trong khu du lịch, tiền thu về cũng là của Nhà nước.
Các công ty Nhà nước cũng có sự cạnh tranh nhất định với nhau. Ví dụ như ngành trồng, khai thác và chế biến nhân sâm do ba công ty nhà nước lớn đảm nhiệm.
Tương tự như vậy, có ba công ty du lịch tại Triều Tiên được khai thác tour dành cho người nước ngoài. Nói chuyện với lãnh đạo các công ty này, tôi đều thấy họ cố gắng để giúp công ty mình phát triển hơn, đấy cũng là điều mừng cho họ.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm trong hành trình là một công trình rất đẹp. Đằng sau là công viên và đài phun nước, đằng trước nhìn thẳng ra Quảng trường Kim Nhật Thành, đối diện ngay bên kia sông là Tháp Chủ Thể.
Toà nhà ở vị trí trung tâm của thành phố, nhưng lại không phải Phủ chủ tịch hay cơ quan trung ương nào, mà chính là Thư viện Quốc gia!
Và cũng không lạ, khi biểu tượng trung tâm của Đảng Lao Động Triều Tiên, búa liềm ở hai bên một ngọn bút!
Có lẽ chính vì đặt tri thức ở vai trò quan trọng như vậy, trong suốt mấy chục năm qua, mặc dù đối mặt với lệnh cấm vận nhưng Triều Tiên vẫn có được những thành tựu đáng kinh ngạc, không chỉ ở quân sự mà cả trong dân dụng, khi họ tự đào đường tàu điện ngầm, tự tay xây lên những công trình tầm cỡ.
Và khoa học kỹ thuật, trình độ nhân lực cũng có thể chính là đòn bẩy để Triều Tiên sẵn sàng cho phát triển khi mở cửa sau này!
Mời bạn đọc xem kỳ 1 và kỳ 2 trong loạt bài về Triều Tiên trên Gia Đình Mới
Đón đọc kỳ 4: Arirang - tại sao họ làm được vậy?
Khải MinhBạn đang xem bài viết Triều Tiên khép kín cỡ nào? tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].