Theo WHO, ước tính có khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh do triệu chứng tăng huyết áp thường ít biểu hiện. Tuy nhiên, khi các triệu chứng này xuất hiện thì cảnh báo một tình trạng huyết áp tăng đột ngột, có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về bệnh tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng áp lực trong mạch máu tăng quá cao so với mức bình thường (khoảng dưới 120/80 mmHg) . Tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tăng huyết áp theo Tổ chức Y tế thế giới - WHO là:
- Huyết áp tâm thu (áp lực động mạch khi cơ tim co bóp) từ 140 mmHg trở lên và/hoặc,
- Huyết áp tâm trương (áp lực động mạch cơ tim giãn) từ 90 mmHg trở lên.
Hầu hết bệnh tăng huyết áp là vô căn (không xác định rõ nguyên nhân) nhưng tăng huyết áp có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ như cao tuổi, di truyền, béo phì, ít vận động, nghiện rượu, hút thuốc lá.
Tăng huyết áp là một bệnh rất phổ biến (1,28 tỷ người độ tuổi 30–79 mắc bệnh vào năm 2023), tuy nhiên triệu chứng của bệnh thường ít hoặc biểu hiện không rõ ràng nên cách duy nhất để chẩn đoán là đo huyết áp.
1 Một vài hiểu lầm phổ biến về bệnh tăng huyết áp
Người bệnh thường cho rằng huyết áp chỉ dao động khi đến gặp bác sĩ, nghĩa là khi về nhà huyết áp sẽ trở lại bình thường thì không có bất thường gì nhưng điều này chưa đúng.
Người bệnh thực sự cần theo dõi sát sao hơn khi thấy chỉ số vượt ngưỡng 140/90 mmHg vì bất kỳ lý do gì. Và hiện tượng huyết áp tăng khi đến cơ sở y tế, cũng được xem là một tình trạng “tiền tăng huyết áp
Bệnh nhân nên chú ý nhiều hơn đến chỉ số huyết áp của mình, 95% trường hợp tăng huyết áp là vô căn và bệnh nhân nên chú ý đến việc thay đổi sinh hoạt.
Thay đổi lối sống như bác sĩ khuyến nghị, đồng thời bác sĩ sẽ tầm soát tất cả các nguyên nhân khả dĩ làm tăng huyết áp (dù chỉ chiếm 5%).
Có đến 95% bệnh tăng huyết áp là không rõ nguyên nhân
2 Triệu chứng tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp thường âm thầm biểu hiện triệu chứng không rõ ràng. Tuy nhiên, khi các triệu chứng này xuất hiện thì có thể gây nguy hiểm tính mạng và bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:
- Đau đầu dữ dội.
- Chóng mặt, hoa mắt, nôn ói.
- Chảy máu cam.
- Đột ngột thay đổi thị lực.
- Tức ngực, đau ngực.
- Khó thở.
- Nhịp tim không đều.
- Co giật.
- Ù tai.
Các triệu chứng của tăng huyết áp có thể cảnh báo một tình trạng nguy hiểm
3 Biến chứng tăng huyết áp
Có nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp cho rằng “tôi chưa có triệu chứng gì - tức là bệnh cao huyết áp chưa ảnh hưởng”. Nhưng điều này hoàn toàn sai vì tình trạng tăng áp lực trong mạch máu kéo dài có thể âm thầm làm tổn thương các mạch máu nhỏ như tại thận, mắt và gây ra các biến chứng ở các cơ quan này.
Người bệnh cần chú ý khuyến nghị của bác sĩ khi huyết áp vượt 140/90 mmHg để phòng tránh các biến chứng do sự mất kiểm soát huyết áp dưới đây:
- Cơn đau thắt ngực.
- Tai biến mạch máu não.
- Phình động mạch.
- Suy tim.
- Suy thận.
- Giảm hoặc mất thị lực.
- Rối loạn chuyển hóa.
- Giảm trí nhớ, tư duy.
Tăng huyết áp gây ra biến chứng ở nhiều cơ quan
4 Tăng huyết áp nên làm gì?
Khi bị tăng huyết áp, người bệnh cần xây dựng một lối sống lành mạnh để giảm bớt các yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng hơn và cải thiện chỉ số huyết áp:
- Tập thể dục đều đặn.
- Hạn chế ăn muối.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá.
- Kiểm soát cân nặng.
- Tránh căng thẳng, đảm bảo giấc ngủ.
Quan trọng nhất đối với người bệnh tăng huyết áp là cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ về cách sử dụng thuốc tăng huyết áp và theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà.
Duy trì lối sống lành mạnh giúp kiểm soát chỉ số huyết áp
5 Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi nào cần gặp bác sĩ
Mỗi người trưởng thành (trên 18 tuổi) nên được kiểm tra huyết áp định kỳ tại các cơ sở y tế nhằm phát hiện bệnh tăng huyết áp sớm để có phương pháp điều trị phù hợp:
- Người trên 18 tuổi: ít nhất 2 năm 1 lần.
- Người trên 18 tuổi có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp như béo phì, ăn mặn, nghiện rượu: ít nhất 1 năm 1 lần.
- Người trên 40 tuổi: ít nhất 1 năm 1 lần.
Đối với những người cao tuổi, tốt nhất là nên có máy đo huyết áp ở nhà để theo dõi, đo 2 lần mỗi ngày lúc sáng sớm sau khi đi vệ sinh xong và tối trước khi đi ngủ 30 phút. Khi huyết áp vượt ngưỡng 140/90 mmHg liên tục thì cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán xác định và điều trị.
Lưu ý: Khi đo huyết áp bất kỳ, nếu ghi nhận 180/120mmHg bệnh nhân cần đến cơ sở y tế.
Những người trên 40 tuổi nên được kiểm tra huyết áp định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần
Khám bệnh tăng huyết áp ở đâu
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Nội. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh Viện Đại Học Y Dược.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai.
6 Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp
Vì bệnh tăng huyết áp thường thầm lặng, chỉ biểu hiện triệu chứng khi huyết áp tăng cao đột ngột nên khó dựa vào chỉ số đơn thuần để chẩn đoán tăng huyết áp, mà còn phụ thuộc vào thời gian thì phải dựa vào chỉ số đo huyết áp.
Để kiểm soát chỉ số huyết áp, người bệnh cần điều chỉnh lối sống lành mạnh về chế độ tập luyện và ăn uống. Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là duy trì huyết áp dưới 140/90 mmHg, với một số bệnh nhân có triệu chứng hạ huyết áp rõ, chỉ số sẽ được điều chỉnh sao cho phù hợp với từng cá thể.
Riêng đối với người mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh thận mãn tính, tim mạch thì đa số trường hợp cần duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Trong trường hợp, điều chỉnh lối sống nhưng không giúp giảm huyết áp đáng kể, bác sĩ có thể kê một số thuốc hạ huyết áp như:
- Thuốc ức chế men chuyển: enalapril, lisinopril.
- Thuốc ức chế thụ thể: losartan, telmisartan.
- Thuốc chẹn canxi: amlodipine, felodipine.
- Thuốc lợi tiểu: hydrochlorothiazide, chlorthalidone.
Trên đây là các thuốc cần được chỉ định theo đơn của bác sĩ, người bệnh không tùy tiện sử dụng hoặc không tự ý ngưng khi đang dùng. Thời gian điều trị huyết áp là kéo dài nên rất cần sự kiên nhẫn cũng như tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Mục tiêu điều trị huyết áp ở người không có bệnh nền là dưới 140/90 mmHg
Xem thêm:
- Chỉ số huyết áp bình thường là bao nhiêu? Nhận biết tăng giảm huyết áp
- Tăng huyết áp cấp cứu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách xử trí
- Những lưu ý đặc biệt quan trọng cho người cao huyết áp
Triệu chứng tăng huyết áp xuất hiện có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh nên người bệnh cần bình tĩnh, nghỉ ngơi và gọi cấp cứu các triệu chứng không cải thiện sau 5 phút. Hãy chia sẻ bài viết này đến những người xung quanh để cùng nâng cao kiến thức về bệnh tăng huyết áp nhé!
Bạn đang xem bài viết Triệu chứng của bệnh tăng huyết áp mà bạn cần đặc biệt chú ý tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].