Trào ngược dạ dày là một căn bệnh tiêu hóa thường gặp. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ra những triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Việc xây dựng chế độ ăn khoa học sẽ góp phần cải thiện triệu chứng của bệnh. Vậy trào ngược dạ dày kiêng ăn gì và nên ăn gì, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé
1 Tìm hiểu bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi thức ăn và dịch tiêu hóa từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây tổn thương niêm mạc và khiến người bệnh cảm thấy nóng rát, ợ hơi, cùng cảm giác khó nuốt.
Bệnh thường gặp trong một số trường hợp như để bụng quá đói, ăn quá no hoặc ăn thức ăn khó tiêu hóa và có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, lứa tuổi khác nhau.
Trào ngược dạ dày là tình trạng khó chịu phổ biến. Tìm hiểu thêm về trào ngược dạ dày, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Hãy đọc để tìm hiểu cách quản lý và giảm bớt các triệu chứng khó chịu này!
Trào ngược dạ dày thực quản gây ra cảm giác khó chịu như ợ hơi, nóng rát
Biểu hiện, triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh sẽ phụ thuộc vào tình trạng và lứa tuổi của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng từ nhẹ đến nặng và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác. Một số triệu chứng thường gặp ở người lớn như:
- Ợ nóng.
- Đau vùng thượng vị.
- Miệng có vị chát do acid dạ dày tiết ra và trào ngược lên thực quản.
- Có cảm giác thức ăn trào ngược lên, buồn nôn hoặc nôn.
- Khó nuốt thức ăn và có cảm giác nghẹn lại.
- Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể khiến vòm họng bị tổn thương dẫn đến viêm họng, ho, khàn tiếng và khó thở.
Đối với trẻ em, trào ngược dạ dày thực quản sẽ gây ra những biểu hiện như:
- Nôn ói.
- Quấy khóc.
- Chán ăn.
- Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây cản trở quá trình hấp thu thức ăn, nước uống và các chất dinh dưỡng, đồng thời các sản phẩm này sẽ vô tình đi qua đường hô hấp gây khàn giọng, ho và khò khè.
Các triệu chứng thường gặp ở người bị trào ngược dạ dày thực quản
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thường là do sự mất cân bằng giữa yếu tố bảo vệ và yếu tố tấn công. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến:
- Sự bất thường tại dạ dày: Khi bị ho kéo dài, hắt hơi hay gập bụng sẽ gây một áp lực lớn lên ổ bụng, tạo điều kiện cho trào ngược xuất hiện. Ngoài ra các vấn đề khác như viêm loét dạ dày, hẹp môn vị và ung thư dạ dày cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Sự bất thường ở cơ thắt dưới thực quản: Cơ này có chức năng giãn mở để đưa thức ăn xuống dạ dày, sau đó đóng lại như một nút bít. Do đó khi cơ này bị rối loạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần có trong dạ dày trào ngược lên thực quản.
- Sự bất thường ở cơ hoành: Cơ hoành phối hợp đồng điệu cùng với cơ thắt dưới giúp thức ăn di chuyển xuống dạ dày thuận lợi. Bởi vậy, khi cơ này bất thường sẽ khiến acid dịch vị dễ dàng trào lên thực quản.
- Khác: Ngoài những nguyên nhân nêu trên, một số bệnh lý hay yếu tố sau cũng góp phần gây nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
Thừa cân, béo phì.
Người có nhóm máu O
Người thường xuyên ăn đồ cay nóng, dầu mỡ hoặc sử dụng các chất kích thích.
Dùng các thuốc giảm đau, an thần, chống trầm cảm.
Đặc biệt phụ nữ có thai 3 tháng cuối thường mắc bệnh về trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày do acid trong dịch vị đẩy ngược lên thực quản
Biến chứng
Nếu không được điều trị kịp thời, acid dạ dày tiết ra và trào ngược lên lâu dài sẽ gây tổn thương niêm mạc thực quản và gây ra một số biến chứng như:
- Viêm thực quản: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở 50% những người mắc bệnh. Thực quản bị viêm và chảy máu do tác động của acid dạ dày lên niêm mạc, khiến người bệnh đau họng, có cảm giác khó chịu và giảm khả năng ăn uống.
- Barrett thực quản: Là tình trạng bệnh do niêm mạc dạ dày tiếp xúc quá lâu với acid dịch vị. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến ung thư thực quản. Tuy nhiên, Barrett thực quản thường ít gặp, chỉ chiếm 8-15% bệnh nhân.
- Ung thư thực quản: Là một biến chứng khi điều trị Barrett thực quản không thành công và thường gặp ở những người trung niên, khoảng trên 50 tuổi. Các tế bào niêm mạc bị tổn thương và tăng sinh quá mức, gây xuất huyết thực quản, sụt cân nhanh, da sạm đi và đau nhiều.
- Hẹp thực quản: Thực quản bị tổn thương và viêm lâu ngày sẽ hình thành nên những vết sẹo gây cản trở trong việc nuốt thức ăn.
Acid dạ dày trào lên thực quản gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh
Hiện nay bệnh trào ngược dạ dày thực quản được điều trị bằng rất nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc vẫn được các bác sĩ đánh giá cao và ưu tiên đầu tay. Một số nhóm thuốc thường sử dụng là:
- Thuốc trung hòa acid dịch vị: Thuốc này giúp làm giảm nhanh các triệu chứng nhưng có tác dụng ngắn. Do vậy để đảm bảo hiệu quả nên dùng sau ăn 1 giờ và trước khi đi ngủ để trung hòa lượng acid còn dư sau khi đã tiêu hóa thức ăn.
- Thuốc kháng Histamin H2: Nhóm thuốc này có cơ chế ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 ở tế bào thành dạ dày giúp giảm các triệu chứng ợ nóng, khó tiêu và giảm bài tiết acid dạ dày trong 12 giờ.
- Thuốc ức chế bơm proton: Hay còn được gọi là PPI, là nhóm thuốc có tác động mạnh nhất và tác dụng kéo dài. PPI giúp giảm nồng độ acid trong dạ dày bằng cách ức chế không hồi phục bơm proton - hệ thống enzyme tạo acid.
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Khi sử dụng thuốc này, niêm mạc dạ dày sẽ được phủ lên một lớp bảo vệ đóng vai trò như chiếc băng che vết thương, ngăn cản sự phát triển của vết loét.
Tuy nhiên nếu bệnh nhân không đáp ứng được các thuốc trên, thì bác sĩ sẽ chỉ định các phẫu thuật dưới đây để cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân
- Phẫu thuật Nissen: Bác sĩ sẽ tái tạo lại cơ thắt thực quản để cải thiện chức năng đẩy thức ăn xuống dạ dày và giảm tình trạng trào ngược.
- Phẫu thuật Linx: Phương pháp này sẽ đưa một chuỗi hạt vào cơ thắt để cải thiện vai trò đóng mở, đẩy thức ăn vào dạ dày và hạn chế tình trạng trào ngược.
Xem thêm: Trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng và cách điều trị
Bác sĩ chỉ định cho dùng thuốc để bảo vệ dạ dày hoặc phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn
2 Bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì?
Các loại đậu
Trong các loại đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu nành, đậu đỏ,… chứa nhiều chất xơ, amino axit có tác dụng tốt cho sức khỏe của người bị trào ngược dạ dày thực quản.
Tuy nhiên, một số loại đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan, đậu đen có phức hợp carbohydrat, dễ tạo trạng thái đầy hơi. Do đó trước khi nấu, bạn cần ngâm các loại đậu này qua đêm cho hạt mềm và chỉ ăn một lượng nhỏ cho cơ thể dễ tiêu, dễ thích nghi, hạn chế đầy hơi.
Các loại đậu chứa nhiều amino axit tốt cho người bị trào ngược dạ dày thực quản
Bánh mì, yến mạch
Các chuyên gia khuyên người bị trào ngược dạ dày thực quản nên thường xuyên sử dụng bánh mì, yến mạch vì chúng có khả năng giảm lượng axit dư thừa trong dạ dày, giảm ợ nóng, đau rát.
Bánh mì và yến mạch có thể dễ dàng chế biến thành nhiều món đa dạng, có thể ăn như bữa chính, bữa phụ trong ngày, còn yến mạch dùng để nấu cháo, súp, trộn với sữa hay làm bánh để dùng cũng đều thích hợp.
Kết hợp bánh mì và bột yến mạch sẽ giúp người bị trào ngược dạ dày thực quản có một bữa ăn đầy năng lượng
Kẹo cao su
Nhai kẹo cao su, kẹo singum kích thích quá trình sản xuất nước bọt kiềm tính giúp làm giảm cơn đau ở niêm mạc thực quản, “tống' axit xuống dạ dày hiệu quả.
Lưu ý, không chọn nhai kẹo cao su vị bạc hà vì thành phần bạc hà có thể tác động xấu đến hoạt động cơ thắt vòng dưới thực quản.
Nhai kẹo cao su kích thích tiết nước bọt có tính kiềm làm giảm cơn đau niêm mạc thực quản
Gừng
Gừng có tính ấm, chống viêm, hỗ trợ cho vết thương mau lành nên thường xuyên sử dụng gừng sẽ hỗ trợ cho căn bệnh trào ngược dạ dày giảm dần, hạn chế các tình trạng đau rát, ợ nóng.
Gừng giúp giảm dần triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản
Đạm nhanh tiêu
Những loại thịt giàu đạm dễ tiêu mà người bệnh nên cho vào thực đơn của mình là thịt lưỡi heo, thịt thăn heo, tim heo, thịt ngan. Người bệnh có thể lựa chọn nên ăn thịt ngan nhưng không nên dùng thịt vịt cũng như thịt gà vì thịt vịt có tính hàn, thịt gà có tính nóng, cả 2 đều không tốt cho tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Thịt thăn là một trong các loại đạm nhanh tiêu
Gạo lứt
Gạo lứt khác với gạo thông thường ở đặc điểm vẫn còn lớp cám bên ngoài và chứa hàm lượng chất xơ cao hơn. Vì vậy, ăn gạo lứt mỗi ngày, người bị trào ngược dạ dày thực quản sẽ giảm các triệu chứng ợ nóng, đầy hơi, chướng bụng.
Nguyên nhân là do thành phần chất xơ giúp cơ vòng thực quản dưới hoạt động tốt, giữ được axit trong dạ dày không bị trào lên thực quản.
Gạo lứt chứa nhiều chất xơ giảm triệu chứng dạ dày thực quản
Protein nạc
Có nhiều nguồn protein nạc bạn có thể lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày như: thịt gà, hải sản, đậu phụ, lòng trắng trứng,… Những thực phẩm này vừa cung cấp đạm cho cơ thể vừa tốt cho hệ tiêu hóa của người đang bị trào ngược axit dạ dày. Vì khi so sánh với thịt mỡ thì thịt nạc sẽ dễ tiêu hơn không gây chướng bụng.
Với thịt nạc bạn nên luộc, hấp hoặc nướng thay vì chiên và rán để hạn chế thành phần dầu mỡ khó tiêu trong bữa ăn.
Thịt nạc nướng, món ăn cung cấp nguồn protein dễ tiêu cho cơ thể
Quả hạch và hạt
Quả hạch là loại quả có phần hạt lớn được bao bọc bởi lớp vỏ quả trong. Một số loại quả hạch được dùng trong thực phẩm như: hạnh nhân, óc chó, điều, thông,…
Quả hạch và hạt có hàm lượng chất xơ, protein cao giúp người ăn có cảm giác no lâu, dễ tiêu hóa. Vì vậy nhu cầu về lượng thức ăn của mỗi bữa sẽ giảm, dạ dày không quá căng sau mỗi bữa, từ đó tránh được nguy cơ bị trào ngược axit dạ dày.
Quả hạnh và hạt có hàm lượng chất xơ và protein cao có lợi cho người bị trào ngược axit dạ dày
Sữa chua
Sữa chua được biết đến là một thực phẩm bổ dưỡng cung cấp lượng lớn men vi sinh cho đường ruột nên được nhiều người lựa chọn làm bữa phụ, món tráng miệng.
Hơn thế, sữa chua còn có tác dụng làm giảm sự kích thích của cơ vòng thực quản dưới, cơ vòng không bị kích thích sẽ co lại, ngăn axit trào lên dạ dày khi dạ dày co bóp.
Sữa chua giảm kích thích cơ vòng thực quản dưới ngăn axit trào lên thực quản
Rau và trái cây không thuộc họ cam quýt
Ngoại trừ thực vật thuộc họ cam quýt thì hầu hết các loại rau và trái cây đều có tác dụng giảm axit dạ dày, cung cấp chất xơ, vitamin cần thiết cho cơ thể. Vì vậy, người bị trào ngược dạ dày thực quản ăn loại thực phẩm này sẽ giảm cảm giác ợ nóng, ợ chua, dễ tiêu, người không bị mệt mỏi.
Rau xanh làm giảm triệu chứng ợ nóng ở người bị trào ngược dạ dày thực quản
2 Bị trào ngược dạ dày thực quản kiêng ăn gì?
Bên cạnh các thực phẩm nên dùng thì cũng có những thực phẩm bạn nên hạn chế hoặc kiêng dùng để tránh làm bệnh trầm trọng hơn.
Cà phê, rượu bia
Các loại đồ uống kích thích như cà phê, trà, đồ uống chứa cafein khác có khả năng làm tăng giãn cơ thực quản dưới, làm tăng quá trình tiết axit ở dạ dày. Rượu bia, đồ uống có gas tác động xấu đến quá trình co giãn của cơ thắt thực quản, gây trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản.
Thuốc lá cũng có tác động tương tự như đồ uống chứa cồn, kích thích hệ thần kinh chi phối cơ vòng thực quản nên bạn cần tránh sử dụng tối đa. Ngoài ra, cơ thắt dạ dày thực quản cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi bạn dùng nhiều sữa, socola giàu canxi, protein, chất béo.
Không nên uống cà phê hay rượu khi bị trào ngược dạ dày thực quản
Thực phẩm béo
Các thực phẩm có lượng chất béo dồi dào như đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, mỡ động vật,… gây khó khăn cho việc tiêu hóa, dễ xuất hiện tình trạng chướng bụng, tăng áp lực cho dạ dày, cơ thắt thực quản dưới và có khả năng gây trào ngược dạ dày thực quản.
Các món ăn nhanh thường chứa nhiều dầu mỡ không tốt cho người đang bị trào ngược dạ dày thực quản
Trái cây giàu axit
Hầu hết hoa quả đều tốt cho sức khỏe nhưng các loại hoa quả có vị chua, giàu vitamin C như chanh, cam, bưởi,… chúng làm tăng tiết dịch ở dạ dày nên ngay cả với các loại nước ép của các trái cây này bạn cũng cần hạn chế sử dụng.
Cam, chanh chứa nhiều axit.
Các loại gia vị nóng
Những gia vị cay nóng như ớt, tỏi, tiêu,… kích thích màng thực quản, tăng sự nóng rát trong dạ dày, tăng nguy cơ trào ngược dạ dày nên khi nấu và thưởng thức bữa ăn bạn cần ít dùng các món chứa các gia vị này.
Không nên sử dụng các loại gia vị nóng trong bữa ăn của người bị trào ngược dạ dày thực quản
Tỏi
Tỏi, đặc biệt là tỏi sống gây đau dạ dày, ợ nóng, ợ chua, làm nặng thêm tình trạng trào ngược axit dạ dày. Vì thế bạn nên hạn chế ăn tỏi sống, thay vào đó nên dùng tỏi đã chế biến với lượng vừa phải.
Tỏi sống có thể làm nặng thêm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản
Socola
Socola là món ăn vặt yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, người bị trào ngược dạ dày thực quản không nên sử dụng vì chứa nhiều cafein, cocoa, những chất này làm trầm trọng thêm triệu chứng ợ nóng của người bệnh, làm axit trong lòng dạ dày dễ rò rỉ vào thực quản hơn.
Socola làm axit trong lòng dạ dày dễ rò rỉ vào lòng thực quản hơn
Thực phẩm và đồ uống có tính axit
Thực phẩm và đồ uống có tính axit sẽ làm nặng thêm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Vì khi bị bệnh, lượng axit trong lòng dạ dày đã tăng cao hơn mức bình thường, việc bổ sung nhiều thực phẩm đồ uống có tính axit làm cho lượng axit tăng thêm. Bởi thế, người bệnh nên hạn chế dùng thực phẩm và đồ uống có tính axit như nước ngọt có vị chua, cam, chanh, cà chua,…
Cà chua chứa hàm lượng axit cao nên người bị trào ngược dạ dày không nên ăn
Hành tây
Hành tây sống có thể kích thích dạ dày tiết ra lượng axit nhiều hơn, điều này làm nặng thêm triệu chứng ợ nóng, ợ chua ở người bệnh trào ngược axit dạ dày. Vì thế, người bệnh không nên ăn hành tây sống, bạn có thể xào hoặc luộc trước khi ăn để giảm tác hại của hành tây.
Hành tây sống kích thích dạ dày tiết axit nhiều hơn nên người bị trào ngược dạ dày thực quản không nên ăn
3 Các lưu ý khi bị trào ngược dạ dày thực quản
- Không hút thuốc lá bởi thuốc lá làm rối loạn hoạt động co giãn của cơ thực quản dưới, là nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày.
- Ăn chậm, nhai kỹ, chia khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ. Điều này giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, giảm áp lực lên thành dạ dày, phòng ngừa trào ngược dạ dày thực quản.
- Hạn chế thức ăn chua cay, nước uống có gas, rượu bia bởi những thực phẩm này không có lợi cho dạ dày sẽ làm tình trạng bệnh dạ dày diễn tiến nặng hơn.
- Giảm sử dụng các thực phẩm giàu chất béo. Những loại thực phẩm này sẽ gây khó tiêu, làm chậm quá trình tiêu hóa làm tăng nguy cơ bị trào ngược.
- Không hút thuốc, uống rượu bia, đồ uống có gas, không sử dụng các chất kích thích. Những thức uống này sẽ gây rối loạn hoạt động co bóp dạ dày, hoạt động cơ vòng thực quản.
- Giữ cân nặng hợp lý, tránh tình trạng tăng cân đột ngột hay béo phì. Vì thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên thành dạ dày làm nặng thêm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
- Nên ăn bữa tối ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ. Vì lúc này dạ dày rơi vào trạng thái nghỉ ngơi, không gây khó tiêu, ợ hơi.
- Nên nâng cao đầu khi ngủ sẽ tránh được hiện tượng axit trào ngược lên dạ dày.
- Hãy giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên sử dụng các biện pháp giảm stress, thư giãn như nghe nhạc, trò chuyện với bạn bè, du lịch,…Điều này có thể làm giảm phần nào triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
- Tránh mặc quần bó sát nhất là phần eo, vì sẽ gây áp lực lên dạ dày, tăng nguy cơ cao bị trào ngược.
Không nên ăn quá no làm tăng áp lực lên dạ dày
4 Các câu hỏi liên quan
Cách chữa trào ngược dạ dày thực quản bằng mật ong
Người bệnh có thể dùng mật ong để làm giảm triệu chứng ợ nóng khi mắc hội chứng trào ngược dạ dày. Bạn có thể uống 5ml mật ong nguyên chất hoặc pha với nước ấm.
Theo một số nghiên cứu cho thấy, mật ong có khả năng làm giảm viêm thực quản, tạo một lớp màng nhầy bao phủ niêm mạc thực quản giúp bảo vệ thực quản trước tác động của axit dạ dày.
Lưu ý, người bị tiểu đường, trẻ dưới 12 tháng tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng mật ong.
Mật ong giúp giảm triệu chứng ợ nóng ở người bị trào ngược dạ dày
Bị trào ngược dạ dày thực quản nên uống thuốc gì?
Trước khi sử dụng thuốc bạn nên tham khảo ý kiến Dược sĩ, Bác sĩ, sau đây là một số thuốc tham khảo thường được dùng để chữa trào ngược dạ dày:
- Thuốc trung hòa axit dịch vị: có tác dụng ngay, giúp giảm cảm giác ợ nóng, ợ chua, giảm tình trạng viêm thực quản. Tuy nhiên dùng thuốc lâu có thể bị tiêu chảy và các vấn đề về thận.
- Thuốc giảm tiết axit dạ dày (gồm nhóm chẹn histamin H2 và nhóm ức chế bơm proton): có tác dụng chậm hơn so với nhóm trung hòa axit dịch vị nhưng có tác dụng lâu hơn, tạo điều kiện cho mô thực quản bị tổn thương có thời gian lành lại.
Có thể điều trị trào ngược dạ dày bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Trào ngược dạ dày nên ăn sáng gì?
Bạn có thể kết hợp những loại thực phẩm này với nhau theo sở thích để vừa có một bữa sáng ngon miệng, vừa giảm triệu chứng của trào ngược dạ dày:
- Ngũ cốc yến mạch nóng.
- Ngũ cốc nguyên hạt.
- Trứng luộc.
- Sinh tố trái cây (không dùng các loại trái cây có vị chua).
- Sữa chua.
- Bánh Crepe.
- Bánh mì nướng bơ.
- Lòng trắng trứng.
Bữa sáng với ngũ cốc nguyên hạt phù hợp người bị trào ngược dạ dày.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn thường xuyên xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ trào ngược dạ dày thực quản như: ợ nóng, ợ chua, nóng rát ở ngực hay cảm thấy buồn nôn thì nên đến khoa Tiêu hoá - Gan mật tại các bệnh viện để gặp bác sĩ, được thăm khám và điều trị kịp thời:
- TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y Dược TPHCM, Bệnh viện nhân dân 115,...
- Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa,...
Xem thêm:
- 5 triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản bạn cần phải lưu ý
- 20 cách chữa trào ngược dạ dày đơn giản ngay tại nhà
Việc sử dụng chế độ ăn phù hợp đối với người bị trào ngược dạ dày là vô cùng cần thiết. Vì sẽ giúp làm giảm triệu chứng và chậm diễn tiến bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy chia sẻ bài viết đến bạn bè và người thân nhé.
Bạn đang xem bài viết Trào ngược dạ dày kiêng ăn gì và nên ăn gì? Lưu ý khi trào ngược tại chuyên mục Khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].