Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn mới có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện rà soát, thống kê lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài 6 nhóm công việc lao động tự do đã nêu trong Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM.
Cụ thể, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần rà soát, thống kê những lao động làm các nhóm công việc sau:
- Bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê
- Bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; sửa xe, vá xe nhỏ lẻ; bán báo dạo, đánh giày hoặc công việc có tính chất tương tự
- Bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê (trong cửa hàng tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ, tạp hóa)
- Xử lý hạt giống để nhân giống (làm hạt giống…), đốn lá (lợp nhà…)
- Đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa – tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh khai thác, đánh bắt thủy sản (như bắt cá, cào nghêu, làm mồi câu, kéo lưới, đan lưới, đánh lưới…)
- Thợ hồ (thợ nề), phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm việc theo nhóm (mang tính riêng lẻ, độc lập), hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh xây dựng dân dụng
- Tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải
- Xe ôm công nghệ
- Tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công, mỹ nghệ
- Nhóm công việc khác do UBND TP Thủ Đức và quận, huyện đề xuất bổ sung
Sở LĐTB-XH TPHCM yêu cầu việc thống kê phải thực hiện nhanh chóng, hoàn thành trước ngày 24/7 để Sở báo cáo UBND TP.HCM.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH, hiện nay, nhiều lao động tự do, khoảng 27.000 người đang nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09. Họ chưa nhận được hỗ trợ và đời sống đang rất khó khăn.
Vì thế, Sở LĐTB-XH TP.HCM đang xem xét, đề xuất TPHCM bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch COVID-19.
Nếu đề xuất được thông qua, dự kiến những người lao động kể trên sẽ nhận được hỗ trợ từ ngày 25/7 trở đi. TP.HCM sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa, không để một ai vì tác động của dịch COVID-19 mà rơi vào cảnh khốn khổ, khó khăn.
An AnBạn đang xem bài viết TP.HCM đề xuất hỗ trợ người người làm nghề xe ôm công nghệ, thợ hồ, người giúp việc nhà… tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].