Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý mỹ phẩm đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Mục tiêu là nâng cao nhận thức pháp lý, đồng thời siết chặt việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bao gồm: Sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng địa chỉ công bố; Thay đổi thông tin trên phiếu công bố sản phẩm mà không thông báo; Buôn bán mỹ phẩm trái phép, hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố.
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo vượt quá công dụng công bố, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh; Sử dụng hình ảnh, tên tuổi bác sĩ và nhân viên y tế trong quảng cáo trái phép.
“Toàn bộ mỹ phẩm nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc hoặc không bảo đảm chất lượng sẽ bị thu hồi, tiêu hủy theo quy định” - Sở y tế khẳng định.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm - ảnh minh họa.
Đối với mỹ phẩm, chỉ được sản xuất khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện, tuân thủ công thức đã công bố và bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Việc làm giả thương hiệu hoặc xuất xứ sẽ bị xử lý nghiêm.
Đặc biệt, nếu doanh nghiệp không triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (cGMP-ASEAN) hoặc không duy trì đủ điều kiện sản xuất sau khi đã được cấp phép, sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP. Hình phạt bao gồm buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm, nộp lại phiếu công bố sản phẩm.
Sở Y tế cũng quán triệt đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo mỹ phẩm, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu tuân thủ pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, nhất là về quảng cáo.
Công văn cũng nhấn mạnh, mỹ phẩm chỉ được lưu hành khi có nguồn gốc rõ ràng và đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố.
Mọi hoạt động quảng cáo phải được phê duyệt nội dung và không được ám chỉ công dụng điều trị, phòng bệnh. Hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Đây là động thái quyết liệt thể hiện nỗ lực của thành phố trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo rõ ràng đến các cá nhân, tổ chức hoạt động thiếu nghiêm túc trong lĩnh vực mỹ phẩm.
Phạm Sinh
Bạn đang xem bài viết TP Hồ Chí Minh siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh, quảng cáo mỹ phẩm tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].