Theo đó, Sở Y tế cho biết, hiện nay đơn vị đang tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược nhằm ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp quản lý thuốc giả trên địa bàn - ảnh: SYT
Theo Sở Y tế, các lỗi vi phạm thường gặp tại các cơ sở kinh doanh dược bao gồm: Kinh doanh không đúng phạm vi giấy phép, mua bán thuốc từ các cơ sở không đủ điều kiện, lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc (không có hóa đơn, chứng từ), chưa thực hiện theo dõi dữ liệu mua -bán theo quy định và không đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền.
Đáng chú ý, qua hoạt động kiểm tra và từ công văn của Cục Quản lý Dược, Sở Y tế đã phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả bao gồm các loại thuốc như Cefuroxim 500mg, Cefixim 200mg và Neo-Codion.
Tất cả các cơ sở vi phạm này đã bị lập hồ sơ và chuyển sang Công an TP Hồ Chí Minh để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, từ phản ánh của người dân, Thanh tra Sở Y tế cũng đã kiểm tra và phát hiện 1 nhà thuốc trên địa bàn có hành vi kinh doanh thuốc giả. Trường hợp này cũng đã được chuyển cơ quan công an thụ lý.
Trước tình hình trên, Sở Y tế cũng đã ban hành liên tiếp các văn bản nhằm siết chặt quản lý, giám sát chất lượng thuốc và thực phẩm chức năng.
Cụ thể, chỉ riêng trong tháng 4 và 5/2025, Sở Y tế đã ban hành ít nhất 6 công văn quan trọng, tập trung vào quản lý thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, rà soát tình trạng sữa giả, cảnh báo thuốc không rõ nguồn gốc và yêu cầu tuân thủ nghiêm pháp luật trong kinh doanh dược.
Ngoài ra, một đoàn kiểm tra liên ngành với sự phối hợp của nhiều đơn vị chức năng đã được thành lập, tiến hành cao điểm kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược ngay trong tháng 5/2025 với trọng tâm kiểm tra là các cơ sở có nguy cơ cao như nơi kinh doanh thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và thực phẩm chức năng.
Đồng thời, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế, nhà thuốc và Trung tâm Kiểm nghiệm tăng cường kiểm tra nội bộ, rà soát danh mục thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng hoặc kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm từng bị Bộ Y tế cảnh báo. Đồng thời, đề nghị các đơn vị chỉ mua hàng từ nguồn hợp pháp, có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
Song song đó, Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, tăng mức xử phạt để nâng cao tính răn đe đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc, thiết bị y tế giả.
"Trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, vai trò của người dân hết sức quan trọng. Chúng tôi kêu gọi người dân chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng và sữa tại các cơ sở được cấp phép, tránh mua hàng quảng cáo trên mạng xã hội. Đồng thời, mạnh dạn tố giác các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý" - Sở Y tế cho biết.
Chẳng hạn, ngày 17/5, Sở Y tế đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở khám chữa bệnh, phòng y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn về việc rà soát, báo cáo các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả.
Theo thống kê từ Sở y tế, trong năm 2024 đơn vị đã tiến hành kiểm tra 174 cơ sở bán buôn thuốc, 344 cơ sở bán lẻ thuốc, 40 cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ dược liệu. Qua kiểm tra, Sở cũng đã ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, xử lý 147 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Phòng Y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đã kiểm tra 6.750 cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn.
Cũng với đó, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm thành phố đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng 413 mẫu thuốc tại 149 cơ sở, kết quả có 15 mẫu không đạt chất lượng.
Theo Sở Y tế, các vi phạm thường gặp về nguồn gốc và chất lượng thuốc bao gồm: Kinh doanh thuốc không đúng với phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; Mua thuốc của cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; Kinh doanh hàng hóa là thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ (không có hóa đơn, chứng từ);...
Phạm Sinh
Bạn đang xem bài viết TP Hồ Chí Minh phát hiện hàng loạt cơ sở kinh doanh thuốc giả tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].