Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa đề xuất UBND TP thực hiện một số giải pháp để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn, trong đó có nội dung xây dựng cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin vi phạm từ người dân, công khai thông tin đối tượng vi phạm.
Theo Sở TN-MT, hiện nay, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP (viết tắt NĐ 155).
Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho hay, theo điều 57 NĐ 155, hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng chưa đến mức độ bị công khai thông tin. Tuy nhiên, để việc xử lý vi phạm hiệu quả, ngoài sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, cần phải có sự góp sức của cộng đồng để phê phán hành vi vi phạm, tăng hiệu quả tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, do đặc thù vi phạm về vệ sinh nơi công cộng là xảy ra nhanh, tức thì trong khi lực lượng kiểm tra hiện nay còn thiếu nên khó bắt quả tang vì vậy cần có cơ chế "phạt nguội" thông qua thiết bị ghi hình. Hơn nữa, hiện nay đa phần các địa phương đều có lắp đặt camera để giám sát tình hình an ninh, giao thông trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, việc xử phạt tiểu bậy gặp khó khăn khi lực lượng mỏng, sự việc diễn ra rất nhanh, nhiều trường hợp say xỉn bất hợp tác…
Đại diện Phòng Đô thị quận 1 cũng cho rằng khó nhất hiện nay là nhà vệ sinh công cộng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là phần lớn người tiểu bậy là dân lao động, lái xe... Một vài công viên có nhà vệ sinh nhưng thường xuyên hư hỏng hoặc đóng cửa sau 22 giờ.
Trong khi đó, ông Cao Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), cho rằng nên xem xét đề xuất bêu tên, đăng hình ảnh người tiểu bậy vì phường đã từng dùng biện pháp căng băng-rôn ở những nơi hay xảy ra tình trạng này và có hiệu quả. Chỗ nào có tiểu bậy cho treo các thông báo xử phạt. Từ đó, khi có ý định, người ta đọc nội dung này cũng ái ngại và ý thức hơn.
Nghị định 167/2013/NĐ-CP. quy định: Mức xử phạt từ 100 đồng đến 300 đồng với những ai vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung:
a) Không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, doanh trại gây mất vệ sinh chung;
b) Đổ nước hoặc để nước chảy ra khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông nơi công cộng hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung;
c) Tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư;
d) Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng;
đ) Lấy, vận chuyển rác, chất thải bằng phương tiện giao thông thô sơ trong thành phố, thị xã để rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh;
e) Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.
Mai ChiBạn đang xem bài viết TP Hồ Chí Minh đề xuất phạt nguội, bêu tên người tiểu bậy nơi công cộng tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].